Ngày pháp luật

Rạng Đông (RAL) báo lãi quý 1/2025 sụt giảm mạnh nhất 5 năm

Đỗ Quyên

Kết quả kinh doanh quý 1/2025 của CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (mã RAL) ghi nhận với doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh. Doanh nghiệp cho biết đang đối diện với áp lực cạnh tranh khốc liệt và sự thay đổi nhanh chóng của thị trường.

Theo báo cáo tài chính quý đầu năm 2025, Rạng Đông ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.528 tỷ đồng, giảm tới 46% so với cùng kỳ năm trước. Dù biên lợi nhuận gộp có nhích nhẹ lên mức 21,5%, nhưng sự sụt giảm doanh thu kéo theo lợi nhuận gộp giảm 43%, còn 328 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận gộp quý thấp nhất của công ty trong 6 quý trở lại đây.

Chi phí bán hàng cũng giảm tương ứng với doanh thu, tuy nhiên, sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Rạng Đông chỉ đạt gần 101 tỷ đồng, "lao dốc" tới 48% so với quý 1/2024. Mức lợi nhuận này cũng là quý 1 có kết quả kinh doanh thấp nhất của Rạng Đông kể từ năm 2020 đến nay.

Lý giải về kết quả này, ban lãnh đạo Rạng Đông cho biết doanh nghiệp đang phải đối mặt với "cơn đại hồng thuỷ" hàng hóa nước ngoài, đặc biệt là hàng Trung Quốc với công suất dư thừa. Cùng với đó là sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các công ty nước ngoài chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam.

Nhu cầu thị trường cũng được nhận định là sụt giảm đáng kể. Dữ liệu cho thấy số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm 2024 tăng 15%, và chỉ trong hai tháng đầu năm 2025, có đến 67.000 đơn vị ngừng hoạt động, gấp đôi mức trung bình năm 2024. Tình hình này ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua và hoạt động sản xuất kinh doanh của Rạng Đông.

Thêm vào đó, các tập đoàn nước ngoài với kinh nghiệm lâu đời, mô hình kinh doanh hiện đại, và đặc biệt là các nền tảng kinh doanh trực tuyến (online) và kết hợp trực tuyến-truyền thống (O2O) đang ngày càng mạnh mẽ xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường 100 triệu dân của Việt Nam, thu hút khách hàng mục tiêu của Rạng Đông.

Sự biến đổi nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là sự phổ biến của mạng 5G, trí tuệ nhân tạo (AI) và năng lượng tái tạo cũng được xem là thách thức lớn, đe dọa trực tiếp tới mô hình phát triển truyền thống của Rạng Đông.

Trước bối cảnh khó khăn đó, Rạng Đông cho biết đang nỗ lực chuyển đổi số, tái cấu trúc chiến lược sản phẩm và mô hình kinh doanh, chuyển dịch từ việc chỉ kinh doanh sản phẩm sang cung cấp các giải pháp, dịch vụ.

Về tình hình tài chính, quy mô tổng tài sản của Rạng Đông giảm gần 3% trong quý đầu năm, xuống dưới mức 8.100 tỷ đồng. Sự sụt giảm này chủ yếu đến từ khoản mục phải thu ngắn hạn của khách hàng, giảm từ 4.364 tỷ đồng xuống còn 3.730 tỷ đồng, phản ánh phần nào sự giảm sút của doanh thu hoặc các vấn đề liên quan đến thu hồi công nợ.

Trong khi đó, nhờ hoạt động vẫn có lãi dương, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp tiếp tục tăng lên gần 1.645 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị hàng tồn kho cũng tăng 18% lên 2.090 tỷ đồng, dấy lên lo ngại về khả năng tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh doanh thu sụt giảm.

Về cơ cấu nguồn vốn, Rạng Đông duy trì quy mô vay nợ tài chính ở mức hơn 3.500 tỷ đồng, toàn bộ là nợ ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu được củng cố thêm nhờ lợi nhuận chưa phân phối tăng lên hơn 3.400 tỷ đồng.

Được thành lập từ năm 1961 và chuyển đổi thành công ty cổ phần năm 2004, niêm yết cổ phiếu năm 2006, Rạng Đông có lịch sử phát triển lâu đời. Giai đoạn 2016-2019 được đánh dấu bằng nỗ lực chuyển đổi sang mô hình công ty công nghệ cao. Doanh nghiệp hiện hoạt động trong 3 mảng chính: chiếu sáng, phích nước và các giải pháp thông minh, với hệ thống phân phối rộng khắp.

Trong bối cảnh kết quả kinh doanh kém khả quan, Rạng Đông đã thông báo gia hạn thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 đến ngày 7/6. Doanh nghiệp cũng vừa tạm ứng cổ tức đợt 2/2025 với tỷ lệ 25% bằng tiền mặt, chi gần 59 tỷ đồng vào ngày 15/5.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu RAL đã phản ứng tiêu cực trước kết quả kinh doanh sụt giảm, đang giao dịch ở mức thấp và có thời điểm dư bán sàn. Giá trị vốn hóa thị trường của công ty hiện còn khoảng 2.450 tỷ đồng.

Tin Cùng Chuyên Mục