Theo Lãnh đạo Trung tâm LLTP quốc gia, những chủ trương chính sách của Chính phủ, Bộ, ngành về xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, kết nối, chia sẻ dữ liệu và cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính nói chung, thủ tục cấp Phiếu LLTP nói riêng đang đặt ra những yêu cầu và thách thức để đổi mới tổ chức và hoạt động của Trung tâm LLTP quốc gia.
Theo đó, Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Trung tâm LLTP quốc gia nhằm thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực quản lý, điều hành; tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về quản lý nhà nước trong lĩnh vực LLTP; tăng cường công tác xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu LLTP và thực hiện tốt công tác cấp Phiếu LLTP theo quy định pháp luật.
Đề án cũng đặt ra mục tiêu đổi mới tổ chức của Trung tâm LLTP quốc gia bảo đảm tinh gọn về bộ máy, biên chế; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực hiện chức năng và nhiệm vụ phù hợp quy định của pháp luật và yêu cầu của công tác LLTP trong tình hình mới.
Để thực hiện mục tiêu trên, Đề án xác định các nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2024-2025 gồm: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về LLTP; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP; tiếp tục cải cách, nâng cao chất lượng thủ tục cấp Phiếu LLTP; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác LLTP; kiện toàn tổ chức bộ máy của Trung tâm LLTP quốc gia.
Trong giai đoạn 2026-2030, tập trung vào các nhiệm vụ gồm: Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật LLTP và các văn bản pháp luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả cho công tác LLTP và tháo gỡ được những điểm nghẽn về thể chế; đổi mới mô hình tổ chức của Trung tâm LLTP quốc gia.
Tiếp đó, báo cáo rà soát pháp luật trong lĩnh vực LLTP, Lãnh đạo Trung tâm LLTP quốc gia cho biết: Trung tâm đã thực hiện nghiên cứu rà soát 8 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trong lĩnh vực LLTP bao gồm Luật LLTP, 1 Nghị định, 1 Thông tư liên tịch, 5 Thông tư.
Các văn bản là căn cứ để rà soát gồm có 14 văn bản có quy định liên quan đến lĩnh vực LLTP, 77 VBQPPL có yêu cầu Phiếu LLTP trong hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính với nhiều lĩnh vực khác nhau, cùng với đó là các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác LLTP.
Qua rà soát, Trung tâm nhận thấy một số vấn đề chưa thống nhất, phù hợp giữa pháp luật về LLTP với pháp luật về hình sự và pháp luật có liên quan như Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 và Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam…
Do đó, Trung tâm đề xuất tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2010/NĐ-CP; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật LLTP năm 2009, bảo đảm thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
Sau khi nghe các đơn vị góp ý về các nội dung cụ thể, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc yêu cầu cần rà soát tổng thể quy định pháp luật có liên quan đến LLTP, đánh giá sự đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, tránh cản trở việc thực hiện quyền con người, quyền công dân, công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế xã hội.
Thứ trưởng cũng lưu ý việc rà soát cần bảo đảm tính toàn diện, đầy đủ, chính xác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đặc biệt cần đáp ứng yêu cầu bối cảnh trong tình hình mới theo hướng đơn giản tối đa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo tính chặt chẽ trong quản lý nhà nước.