Nhiều quy trình liên quan đến thuế, hoàn thuế đã được thực hiện trực tuyến. (Ảnh: Internet)
Nỗ lực cải tiến quy trình hoàn thuế giá trị gia tăng
Bà Nguyễn Thị Thu - Trưởng Ban Nghiệp vụ Thuế, Cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết: Cục Thuế đã có nhiều nỗ lực cải tiến quy trình và tạo thuận lợi cho DN trong các vấn đề liên quan đến thuế, đặc biệt là hoàn thuế GTGT. Số lượng quyết định hoàn thuế GTGT trong 3 tháng đầu năm 2025 đã thể hiện rõ ràng nỗ lực này khi tăng 11% so với cùng kỳ. Đặc biệt, tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng hạn kể từ ngày cơ quan thuế nhận đầy đủ hồ sơ đạt 91% - một chỉ số cho thấy hiệu quả vận hành đang dần được nâng cao.
Ngoài ra, để hỗ trợ DN và rút ngắn thời gian xử lý, ngành Thuế đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp trọng tâm. Trong đó, cần phải kể đến việc thực hiện hoàn thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc đã giúp giảm mạnh chi phí thời gian và nhân lực cho cả cơ quan thuế lẫn người nộp thuế. Theo đó, thay vì phải nộp hồ sơ giấy, DN có thể hoàn tất toàn bộ quy trình trên môi trường số, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp nhận, phân loại và phản hồi thông tin.
Đại diện Cục Thuế cho biết, công tác điện tử hóa từng bước trong xử lý hồ sơ hoàn thuế tiếp tục được ngành Thuế đẩy mạnh. Cơ quan thuế đã khai thác thông tin từ các hệ thống quản lý thuế hiện có như cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử, thông tin từ Hải quan, Ngân hàng… nhằm phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hồ sơ hoàn thuế một cách chính xác và nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu, trong quá trình vận hành hệ thống công nghệ thông tin, vẫn còn một số hạn chế như tính liên thông dữ liệu chưa thật sự đồng bộ, khả năng phân tích dữ liệu chưa toàn diện. Do đó, ngành Thuế đã lên kế hoạch nâng cấp hệ thống ứng dụng trong năm 2025, tăng cường phân tích rủi ro, hỗ trợ quyết định hoàn thuế nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ. Đồng thời, để xử lý hồ sơ hoàn thuế một cách hệ thống, nhanh chóng và chính xác, ngành Thuế đã kiến nghị sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm gỡ bỏ các rào cản trong thực tiễn. Trong đó cần phải kể đến một số quy định như thẩm quyền quyết định hoàn thuế được mở rộng cho Chi cục trưởng Chi cục Thuế, giúp nâng cao tính linh hoạt trong xử lý hồ sơ cấp cơ sở. Đồng thời, bổ sung quy định hoàn thuế cho các dự án đầu tư mở rộng nhằm tạo động lực phát triển kinh tế.
Hơn nữa, các quy định mới cũng tăng cường trách nhiệm của người nộp thuế trong việc cung cấp và cam kết thông tin, tài liệu phục vụ hoàn thuế. Điều này giúp cơ quan thuế có cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp sai phạm, đảm bảo công bằng giữa các DN.
Sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích rủi ro hoàn thuế
Theo đại diện Cục Thuế, trong năm 2025, một trong những trọng tâm cải cách là xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên biệt phục vụ công tác hoàn thuế GTGT. Cùng với đó, ngành Thuế sẽ triển khai chương trình tuân thủ tự nguyện dành cho những DN có lịch sử chấp hành tốt chính sách thuế. Khi được đánh giá đạt tiêu chuẩn, DN sẽ được hỗ trợ hoàn thuế nhanh chóng qua hệ thống tự động.
“Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cũng sẽ được đưa vào để phân tích rủi ro, phát hiện sớm các dấu hiệu sử dụng hóa đơn không hợp pháp, từ đó tái thiết kế quy trình nghiệp vụ phù hợp với mô hình quản lý thuế hiện đại. Mục tiêu cuối cùng là rút ngắn thời gian xử lý, nâng cao tính minh bạch và quản lý hiệu quả hồ sơ hoàn thuế theo phương thức điện tử” - bà Nguyễn Thị Thu thông tin.
Đồng thời, cơ quan thuế cũng áp dụng các biện pháp nghiệp vụ trong thực hiện công việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT; Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để phòng ngừa việc lợi dụng chính sách hoàn thuế GTGT nhằm chiếm đoạt ngân sách Nhà nước. Đối với hồ sơ đề nghị hoàn thuế cơ quan thuế phát hiện hành vi, dấu hiệu gian lận nhằm trục lợi tiền hoàn thuế từ ngân sách Nhà nước thì củng cố hồ sơ để chuyển cơ quan công an điều tra, đồng thời thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế được biết và căn cứ kết luận của cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I của Bộ Tài chính, Phó Cục trưởng Cục Thuế Mai Sơn cho biết, về tổng thể, chính sách hoàn thuế hiện nay đã có cơ chế linh hoạt để tạo thuận lợi cho DN. Theo đó, DN tuân thủ tốt chính sách sẽ được ưu tiên hoàn thuế. Theo quy định, sau 5 ngày, cơ quan thuế sẽ tiến hành hoàn thuế trong trường hợp DN cung cấp đầy đủ thông tin. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thuế, gần 80% hồ sơ hoàn thuế được xử lý theo cơ chế hoàn trước, kiểm tra sau; Chỉ một số ít DN thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau (chủ yếu là các DN hoàn thuế lần đầu hoặc có yếu tố rủi ro). Những vướng mắc về chính sách hoặc các trường hợp có rủi ro cao chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số hồ sơ hoàn thuế hàng năm. “Nỗ lực của cơ quan thuế cùng sự phối hợp từ các DN và các bên liên quan đã giúp quá trình hoàn thuế diễn ra hiệu quả hơn” - ông Mai Sơn nói. Đồng thời cho biết thêm, khi sửa đổi Luật Quản lý thuế, Cục Thuế dự kiến tái thiết quy trình nghiệp vụ nhằm tạo cơ sở hỗ trợ ưu tiên cho việc hoàn thuế nhanh chóng và tự động hóa các thủ tục.