Ngày pháp luật

Quốc hội đặt mục tiêu GDP tăng 6,5%, bình quân đầu người đạt 4.400 USD vào năm 2023

Mỹ An

Quốc hội cũng đề ra mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức 4,5% và thu nhập bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng vào năm sau.

Chiều 10/11, 93,37% số đại biểu Quốc hội có mặt đã biểu quyết thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Theo đó, Quốc hội đặt mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4-25,8%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%...

Ngoài ra, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5-6%, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,2%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27,5%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.  Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1-1,5%.

Chính phủ tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế.
Chính phủ tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế.

Theo nghị quyết, để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, Quốc hội yêu cầu tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Chính phủ tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

Tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số; tập trung bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên.

Bên cạnh đó, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Nhiệm vụ tiếp theo Quốc hội đề ra là triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.

Về các chỉ tiêu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc xây dựng kịch bản tăng trưởng, các chỉ tiêu chủ yếu đã được Chính phủ cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng.

Mục tiêu CPI bình quân năm 2023 khoảng 4,5% để thực hiện mục tiêu tổng quát, tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, sát với tình hình thực tiễn và các dự báo trong nước, quốc tế.

Trong khi đó, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động cơ bản phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP và dự báo về tốc độ tăng lực lượng lao động năm 2023.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, việc đặt chỉ tiêu ở mức cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ, phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu năm 2023.

Tin Cùng Chuyên Mục