Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2025, PV GAS ghi nhận doanh thu đạt 25,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với quý 1/2024. Giá vốn hàng bán cũng tăng tương ứng, tuy nhiên, lợi nhuận gộp vẫn đạt gần 4,1 nghìn tỷ đồng, tăng 11%.
Đại diện PV GAS cho biết, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận gộp trong kỳ đến từ việc sản lượng tiêu thụ khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tăng 9% và giá bán khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tăng mạnh 53% so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của PV GAS giảm 23% xuống còn 357 tỷ đồng, chủ yếu do giảm lãi tiền gửi. Tuy nhiên, chi phí tài chính cũng giảm đáng kể 35% về mức 118 tỷ đồng nhờ tiết giảm chi phí lãi vay và cổ tức phải trả. Chi phí bán hàng neo ở mức cao, khoảng 600 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh 46% lên 318 tỷ đồng.
Sau khi trừ các khoản chi phí, PV GAS đạt lợi nhuận sau thuế (lãi ròng) gần 2.760 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2024. Với kết quả này, PV GAS đã thực hiện được 35% mục tiêu doanh thu và hơn 52% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cho cả năm 2025 mà Đại hội đồng cổ đông đã thông qua. Kế hoạch năm 2025 của PV GAS tương đối thận trọng với mục tiêu doanh thu 73,9 nghìn tỷ đồng và lãi sau thuế 5,3 nghìn tỷ đồng, lần lượt giảm 29% và 50% so với thực hiện năm 2024.
Tại thời điểm 31/3/2025, tổng tài sản của PV GAS đạt hơn 82 nghìn tỷ đồng, gần như đi ngang so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm phần lớn với hơn 57,7 nghìn tỷ đồng. Lượng tiền mặt và tiền gửi của doanh nghiệp tăng 12%, đạt gần 37 nghìn tỷ đồng.
Khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng giảm hơn 11%, còn 14,8 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, PV GAS không còn ghi nhận khoản phải thu gần 1,2 nghìn tỷ đồng từ Công ty TNHH Năng lượng Mê Kông (MECO). MECO là liên doanh vận hành Nhà máy điện BOT Phú Mỹ 2.2 có công suất 715 MW tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, hợp đồng BOT của nhà máy này đã hết hạn vào ngày 04/02/2025 và nhà máy đã được chuyển giao về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), công ty mẹ của PV GAS.
Giá trị tồn kho của PV GAS cũng giảm mạnh gần 36%, xuống còn gần 3 nghìn tỷ đồng. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng nhẹ lên hơn 1,75 nghìn tỷ đồng, phần lớn tập trung vào dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của PV GAS giảm 13% còn gần 17,7 nghìn tỷ đồng. Nợ ngắn hạn giảm 19% xuống còn gần 12 nghìn tỷ đồng. Mặc dù nợ vay ngắn hạn có tăng 13% lên hơn 1,05 nghìn tỷ đồng, nhưng với lượng tiền mặt và tiền gửi dồi dào, PV GAS duy trì khả năng thanh toán nợ đến hạn rất tốt.