Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết trước yêu cầu tăng trưởng nhanh, bền vững hơn trong bối cảnh hợp tác, cạnh tranh quốc tế đang dần mạnh mẽ, Việt Nam cần có khát vọng, ý chí và sự sáng tạo.
"Chúng ta phải đột phá khỏi những tư duy, suy nghĩ, ràng buộc do thói quen hay những khó khăn trước đây".
Nhấn mạnh chuyển đổi số là vận hội lớn nhưng Phó Thủ tướng lưu ý đây cũng là cơ hội của các quốc gia, dân tộc khác. Do vậy, nếu Việt Nam không tận dụng tốt, cơ hội sẽ biến thành thách thức.
Mặt khác, đây không phải lần đầu tiên công nghệ thông tin (CNTT) mang lại cơ hội cho Việt Nam. Từ những năm 1990, Việt Nam đã nói về kỷ nguyên số, kỷ nguyên CNTT, và cả về chuyển đổi số, kinh tế tri thức, chính phủ điện tử… Điều cốt yếu là ứng dụng CNTT tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho doanh nghiệp, người dân.
"Nhìn lại chúng ta đã tận dụng được phần nào những cơ hội đó nhưng bên cạnh đó còn rất nhiều cơ hội đã bị bỏ qua. Nhiều đề án, mục tiêu hiện tại chưa hoàn thành", ông chia sẻ và đặt câu hỏi: "Phải làm sao cơ hội từ chuyển đổi được tận dụng một cách tốt nhất?".
Nói về tâm thế khi thực hiện chuyển đổi số, Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh "Việt Nam đi sau các nước nên muốn bằng hay vượt lên thì sẽ phải nỗ lực gấp nhiều lần". Tâm thế ấy cần hoà cùng khát vọng, quyết tâm và truyền thống đáng tự hào, lịch sử đặc biệt của dân tộc.
"Chúng ta thường nói là phải đi thẳng vào hiện đại như mạng 5G, AI, Blockchain nhưng với tâm thế như vậy thì tư duy quan trọng nhất là phải sẵn sàng thay đổi những thói quen, nếp nghĩ từ trước đến nay để vượt lên khó khăn, vượt lên chính mình. Trong đó có cả những lợi ích cục bộ, trạng thái cảm tính, định tính không có số liệu, dẫn chứng khi ra quyết định, đánh giá", ông nói.
Để làm được như vậy, Phó Thủ tướng cho rằng trước hết phải tập trung xây dựng môi trường pháp lý.
Nêu thực tế nếu để cho doanh nghiệp tự làm thì doanh nghiệp có thể sẽ không vội vàng đi ngay vào mạng 4G, 5G khi mạng 3G vẫn mang lại hiệu quả kinh tế, Phó Thủ tướng cho rằng cần có cơ sở pháp lý, chính sách phù hợp. Theo đó, làm sao để doanh nghiệp có sự hỗ trợ của nhà nước, có trách nhiệm với xã hội khi ứng dụng công nghệ mới, CNTT. Hay hành lang pháp lý cho những mô hình kinh doanh mới dựa trên ứng dụng CNTT.
"Doanh nghiệp phải có được lợi ích trực tiếp vật chất như về thuế, vốn, tài nguyên... chứ không chỉ là những lời kêu gọi. Tới đây là vai trò rất quan trọng của Bộ TTTT, cùng với sự hợp tác của các bộ, để thu nhận những bức xúc, vướng mắc hiện nay trong ứng dụng, phát triển CNTT để trình Chính phủ, Thủ tướng có yêu cầu các bộ ngành, đặc biệt các bộ kinh tế phải vào cuộc", Phó Thủ tướng đề nghị và yêu cầu các bộ ngành "xác định một số việc quan trọng, tập trung đồng bộ, làm ngay, làm đến cùng".
Từ những ví dụ làm sao khi một người dân chỉ cung cấp dữ liệu về bản thân, về gia đình một lần khi sử dụng các dịch vụ công; mọi giao tiếp giữa Chính phủ và người dân được tính hợp trên điện thoại thông minh; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt… Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây chính là "đề bài" cho giới CNTT, nhiệm vụ cho các cấp chính quyền. "Chúng ta sẽ phải ra rất nhiều văn bản pháp lý, rất nhiều ứng dụng...", ông nói.