Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,6%: Cao hay thấp?
Nói về khả năng bứt phá của nền kinh tế Việt Nam năm 2019 tại đối thoại "Doanh nghiệp tư nhân cùng Chính phủ "bứt phá" do Kênh truyền hình VITV tổ chức, các chuyên gia đều bày tỏ sự tin tưởng về mục tiêu mà chúng ta đặt ra, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP.
Năm 2019, Chính phủ đã đề ra con số 6,6-6,8% cho tăng trưởng GDP. Theo đánh giá của ông Hoàng Trường Giang – Vụ trưởng vụ Kinh tế tổng hợp ban Kinh tế Trung ương, đây là con số phù hợp và khá thận trọng trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.
Còn theo ông Nguyễn Đức Kiên- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, để nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng như chúng ta mong muốn, phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thể chế và nguồn lực. Ông Kiên nhận định, 2 yếu tố quan trọng này đã được chúng ta chuẩn bị tương đối bài bản.
“Như vậy, chúng ta có những tiền đề để phát triển nhanh, bền vững. Nhưng ở đây chúng ta không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng GDP mà phải trả lời được câu hỏi, người dân Việt Nam được hưởng lợi gì từ tăng trưởng kinh tế”, ông Kiên nói.
Dù cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,6% không hẳn là cao nhưng ông Kiên khẳng định, đây sẽ là một thách thức với chúng ta.
Trái ngược với quan điểm của các diễn giả trên, ông Lương Minh Chánh, Chủ tịch Trường Đào tạo Quản trị Kinh doanh BizUni lại cho rằng, tăng trưởng 6,6% GDP chưa có gì là bứt phá. Xét GDP đầu người hiện nay, Việt Nam chưa bằng 1/3 Trung Quốc, chưa bằng 1/2 Thái Lan. Đây là con số thấp.
“Với tốc độ này, chúng ta không bao giờ kéo được khoảng cách với các nước khác. Chúng ta sẽ vẫn là nước nghèo”, ông Chánh nói.
Cạnh tranh công bằng giữa kinh tế nhà nước và tư nhân
Cũng theo ông Chánh, Nghị quyết 10 của Trung ương đã xác định kinh tế tư nhân quan trọng cho sự phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên hiện tại, kinh tế tư nhân chỉ chiếm 40% GDP, kinh tế nhà nước chiếm gần 30%, còn lại là các hộ cá thể. Ông Chánh cho rằng, điều này là bất hợp lý. Kinh tế tư nhân phải là trụ cột của nền kinh tế, đồng nghĩa với việc kinh tế tư nhân cần phải chiếm 50% GDP. Kinh tế nhà nước phải giảm dần dần.
Tuy nhiên theo ông Hoàng Trường Giang, với tinh thần của nghị Quyết 10, doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào những ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế. Những lĩnh vực mà tư nhân làm được, nhà nước sẽ không làm.
Phản biện lại ý kiến của ông Chánh, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm UBKT Quốc hội lại cho rằng, chúng ta không thể định nghĩa việc giảm kinh tế nhà nước theo hình thức cơ học như vậy. Theo Nghị quyết 11 về việc đổi mới, phát huy doanh nghiệp nhà nước để tận dụng hiệu quả nguồn vốn 1,5 triệu tỉ.
"Chúng ta tạo điều kiện để cho tỉ trọng của kinh tế tư nhân đóng góp cho nền kinh tế đất nước ngày càng lớn, để chiếc bánh ngày càng phát triển ra, chứ không phải chiếc bánh vẫn cứ như vậy và chúng ta bàn xem anh này phải co lại để cho anh kia phát triển", ông Kiên nhấn mạnh.
Theo ông Kiên, Chính phủ cần tạo môi trường bình đẳng để kinh tế nhà nước cạnh tranh với kinh tế tư nhân, tạo động lực cho phát triển nền kinh tế.