Ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo "lăn lộn” bao lâu để trở thành tỷ phú USD?

Theo Quang Sơn/Dân Việt

Để trở thành tỷ phú USD được công nhận của thế giới, các doanh nhân Việt đã phải mất nhiều năm kinh doanh trên thương trường.

Theo danh sách tỷ phú USD chính thức của tạp chí Forbes công bố năm 2018, Việt Nam có 4 doanh nhân góp mặt đó là ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Trần Bá Dương và ông Trần Đình Long. Họ đều kinh doanh trong các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế và phải mất hàng chục năm để sở hữu được khối tài sản khổng lồ như hiện nay.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup – Phạm Nhật Vượng là người dẫn đầu trong danh sách tỷ phú USD được thế giới công nhận của Việt Nam hiện nay. Theo cập nhật ở thời điểm hiện tại, tài sản của ông Vượng đạt 6,7 tỷ USD, tăng 3,4 tỷ USD so với đầu năm 2018.

Theo các thông tin công bố từ Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng bắt đầu khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm tại Ukraine từ năm 1993 với công ty sản xuất mỳ gói Mivina. Năm 2000, ông Vượng trở về Việt Nam để đầu tư trong lĩnh vực bất động sản du lịch với Vinpearl Land và CTCP Vincom (Vingroup hiện nay).

Năm 2007, Vingroup chính thức niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán HSX. Ngay lập tức, ông Phạm Nhật Vượng trở thành người giàu thứ hai trên sàn chứng khoán Việt Nam. Năm 2010, ông chiếm vị trí số 1 với khối tài sản khoảng 15.800 tỷ đồng.

Năm 2013, ông Vượng (45 tuổi) lần đầu tiên được tạp chí Forbes đưa vào danh sách tỷ phú USD thế giới với khối tài sản 1,5 tỷ USD, xếp vị trí 974. Như vậy, kể từ khi bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh tại Ukraine, ông Phạm Nhật Vượng đã mất tới 20 năm ròng rã để có khối tài sản khổng lồ và được công nhận là tỷ phú USD của thế giới.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo

Ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo

Đứng vị trí số 2 Việt Nam trong danh sách tỷ phú USD là bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Tổng Giám đốc Vietjet Air, Phó Chủ tịch HĐQT HDBank). Theo thông tin từ Bloomberg, bà Thảo là một doanh nhân khởi nghiệp từ khi còn rất trẻ. Nhờ bán máy fax và nhựa cao su, bà Thảo đã kiếm được tới 1 triệu USD vào năm 1991 khi mới chỉ 21 tuổi.

Khối tài sản công khai hiện nay của bà Thảo nằm ở lượng lớn cổ phiếu VJC và HDB thông qua nắm giữ trực tiếp và gián tiếp thông qua Sovico Holdings. Theo thông tin công bố, hãng hàng không Vietjet Air được thành lập năm 2007 và phải sau 10 năm mới chính thức IPO.

Sau khi cổ phiếu VJC niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2017, bà Thảo đã được tạp chí Forbes công nhận là nữ tỷ phú USD tự thân đầu tiên của Việt Nam với khối tài sản 1,2 tỷ USD. Hiện tại, khối tài sản ròng của bà vào khoảng 2,4 tỷ USD. Như vậy, bà Thảo cũng mất khoảng 26 năm lăn lộn kinh doanh để được công nhân là tỷ USD thế giới.

Tỷ phú Trần Bá Dương

Ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo

Một doanh nhân tỷ USD khác là ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trường Hải (Thaco). Hiện tại Thaco vẫn chưa niêm yết chính thức cổ phiếu lên sàn chứng khoán, nhưng theo danh sách của Forbes vào năm 2018, ông Dương đang sở hữu khối tài sản ròng 1,7 tỷ USD, đứng thứ 3 trong danh sách tỷ phú USD của Việt Nam.

Thaco là một doanh nghiệp khởi đầu trong lĩnh vực phân phối xe và sau đó chuyển sang lắp ráp. Doanh nghiệp này được ông Dương thành lập từ năm 1997 và hiện là đơn vị dẫn đầu thị trường ôtô Việt với 3 thương hiệu xe lắp ráp là Kia, Mazda và Peugeot. Như vậy, ông Dương cũng phải chiến đấu trong thương trường khoảng 21 năm để trở thành tỷ phú USD.

Tỷ phú Trần Đình Long

Ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo

 

Cùng thời điểm được nêu tên trong danh sách tỷ phú USD năm 2018 với ông Trần Bá Dương, chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long đã có 1,2 tỷ USD theo tính toán của Forbes. Ông Long hiện đang sở hữu 25,15% cổ phần của doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Theo thông tin công bố, Hòa Phát tiền thân là một công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng được thành lập từ tháng 8/1992. Sau đó, doanh nghiệp này chuyển sang các lĩnh vực như nội thất, thép, điện lạnh, bất động sản. Năm 2007, Hòa Phát chính thức niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Như vậy, kể từ khi bắt đầu kinh doanh trong lĩnh vực thép, ông Long cũng tốn khoảng 26 năm để được công nhân là một trong các tỷ phú USD giàu nhất thế giới.

Tin Cùng Chuyên Mục