Ông chủ ví điện tử Omipay làm ăn ra sao?
Trong bối cảnh thị trường ví điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, nhiều ông lớn đã gia nhập thị trường này, một trong những cái tên đáng chú ý phải kể đến doanh nhân Ngô Văn Hùng – Chủ tịch HĐQT CTCP Le Delta (Le Delta).
Vào tháng 3/2021, ông Hùng đã trở thành cổ đông lớn nắm 53% vốn CTCP Tập đoàn Công nghệ HTP (thành lập vào tháng 1/2019) – đơn vị sở hữu thương hiệu ví điện tử Omipay. Đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (dịch vụ thu hộ, cổng thanh toán) và thương mại dịch vụ (tập trung mạng lưới kinh doanh thương mại phát triển nhanh, đa dạng nhiều ngành nghề).
Đồng hành với ông chủ Le Delta với vai trò cổ đông HTP (tại tháng 3/2021), còn có ông Nguyễn Cao Ninh (2%), bà Nguyễn Thu Trang (20%), và bà Phạm Thị Thùy Dương (25%).
Về tình hình tài chính, HTP bắt đầu ghi nhận kết quả từ năm 2021 với doanh thu thuần đạt 3,88 tỷ đồng, lãi ròng 22 triệu đồng. Đến năm 2022, doanh thu thuần HTP tăng 169,4% lên 10,45 tỷ đồng; lãi ròng 128 triệu đồng, tương đương mức tăng 482%.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản HTP tại cuối kỳ BCTC đạt 52,24 tỷ đồng, tăng 3,36% so với số đầu kỳ. Vốn chủ sở hữu 50,15 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,05%.
Khoản lãi của HTP dù nhỏ, song ít nhất vẫn phần nào tích cực hơn các ông lớn ví điện tử trong cuộc đua "đốt tiền" giữ thị phần như Momo (lỗ gần 1.150 tỷ đồng năm 2022), ZaloPay (lỗ 1.300 tỷ đồng), Shopee Pay (lỗ hơn 200 tỷ đồng)…
Cùng với HTP, Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pốk (ông Hùng là Chủ tịch HĐQT, Người đại diện theo pháp luật) đã báo lỗ 2 năm liên tiếp. Theo đó, tính riêng năm 2022, doanh thu thuần Ea Pốk đạt 24,4 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,5% so với năm 2021.
Trừ đi các chi phí và giá vốn, Ea Pốk lỗ 11,5 tỷ đồng, trước đó công ty cũng lỗ 19,2 tỷ đồng trong năm 2021. Việc ghi nhận lỗ 2 năm liên tiếp đã đẩy lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty tại thời điểm 31/12/2022 là -38,8 tỷ đồng. Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản Ea Pốk cuối năm 2022 đạt 84,5 tỷ đồng, giảm 10,77% so với số đầu kỳ, vốn chủ sở hữu 55,1 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 17,3%.
Về phía CTCP Môi trường và Dịch vụ Đô thị Vĩnh Yên (công ty do ông Hùng là Chủ tịch HĐQT, cổ đông nắm 36,9% vốn), đơn vị này báo lãi ròng năm 2022 đạt 323 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,31% so với kỳ trước. Trừ đi các chi phí và thuế, công ty báo lãi 5,3 tỷ đồng, tăng 23,2%.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản công ty là 295 tỷ đồng, giảm 3,78% so với số đầu năm. Vốn chủ sở hữu 99 tỷ đồng, tăng gần 3,9%. Trong năm 2022, Vĩnh Yên chi 65,45 tỷ đồng đầu tư dài hạn tại CTCP Tập đoàn Đầu tư công nghiệp Vĩnh Phúc, tương đương tỷ lệ góp vốn 15%. 2 cổ đông còn lại tại công ty này là ông Nguyễn Hữu Trí (80%) và ông Nguyễn Quang Tứ (5%). Cổ đông lớn nhất Nguyễn Hữu Trí từng được đề cập là nhân viên Le Delta từ năm 2019.
Vừa qua, Le Delta được chấp thuận là chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phúc Sơn, tỉnh Bắc Giang. Dự án có quy mô 123,94 ha đất, tổng vốn đầu tư 1.836 tỷ đồng.
Doanh nghiệp có tên trong danh sách nợ bảo hiểm
Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP.Hà Nội mới đây đã công bố danh sách đơn vị chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp từ 1 tháng trở lên trên địa bàn TP.Hà Nội tháng 2/2024 (số liệu tính đến hết ngày 29/2/2024 theo C12-TS lấy ngày 5/3/2024). Số tiền nợ bảo hiểm đơn vị nộp trong tháng 3/2024 (nếu có) sẽ được ghi nhận vào thông báo kết quả đóng bảo hiểm tháng 3/2024 của đơn vị.
Bên cạnh những cái tên "quen mặt", trong danh sách của BHXH TP.Hà Nội còn có Công ty CP Le Delta (số A6, lô A khu 5,2 ha Dự án Nhà ở cho CB cấp cao và CB của Ban Đảng TW, phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội).
Theo danh sách này, Le Delta nợ 2 tháng bảo hiểm với số tiền nợ là 29.482.359 đồng.
Đáng nói, Le Delta được coi là pháp nhân lõi trong trong "hệ sinh thái" đa ngành của doanh nhân Ngô Văn Hùng, bởi doanh nghiệp này là chủ đầu tư nhiều dự án quy mô lớn, trải dài trên nhiều lĩnh vực đa dạng.
Ở ở lĩnh vực công nghệ chất thải rắn, Le Delta vào tháng 5/2023 nằm trong cùng liên doanh với CTCP Thương mại và Đầu tư Công nghệ Ecotech Việt Nam thực hiện dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh cửu, tỉnh Đồng Nai theo phương thức đối tác công tư (PPP). Dự án có quy mô 12ha. Công suất xử lý rác thải: 300.000 tấn/năm. Vốn đầu tư 2.286 tỷ đồng.Bên cạnh đó, phải kể đến dự án Nhà máy rác – điện Hải Phòng với công suất xử lý 1.000 tấn chất thải rắn/ngày, 200 tấn chất thải rắn công nghiệp (Hải Phòng).
Le Delta còn thực hiện nhiều hợp đồng thi công xây dựng công trình, như: thực hiện thầu xây lắp và thiết bị thuộc dự án cải tạo, sửa chữa hệ thống điện trang trí một số tuyến đường đô thị trên địa bàn TP. Vĩnh Yên (tháng 9/2020); công ty cùng Lũng Lô 4 thực hiện gói thầu số 1 là toàn bộ bộ phần xây lắp xây mới Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái thuộc dự án trụ sở làm việc Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái (tháng 7/2015)…
Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, các thành viên của nhóm Le Delta là Công ty TNHH Le Delta 1, Công ty TNHH Le Delta 2 và Công ty TNHH Le Delta 3 là chủ đầu tư 3 dự án cùng tên "Hệ thống điện mặt trời áp mái" với quy mô từ 1.164,24 kWp đến 1.199,42 kWp nằm tại thị trấn Ea Pốk, Huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, thuê đất của CTCP Cà phê Ea Pốk (MCK: EPC, UpCOM).
EPC cũng là pháp nhân cùng nhóm khi ông Hùng là Chủ tịch HĐQT, Người đại diện theo pháp luật.
Trong lĩnh vực bất động sản, năm 2016, Le Delta hợp tác cùng Tây Giang Group và CTCP Xây lắp điện 1 (MCK: PC1, sàn HoSE) thành lập CTCP Hoàng Gia Cao Bằng với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 30%, 40% và 30%. Hoàng Gia Cao Bằng là chủ đầu tư dự án Khách sạn Hoàng Gia Cao Bằng - Royal Hotel tổng mức đầu tư 624,775 tỷ.