Ngày pháp luật

Nợ xấu lặp lại 10 năm trước, nhưng khó xử lý hơn

Theo Sài gòn đầu tư

Những hệ lụy từ dịch Covid-19 rất có thể tạo ra cuộc khủng hoảng nợ xấu mới như 10 năm trước.

Thông tin từ cuộc họp của Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng hồi cuối tháng 7, cho thấy tình hình nợ xấu tại các ngân hàng đã được cải thiện đáng kể so với giai đoạn 2011-2012. Tuy nhiên, với những hệ lụy khó lường từ dịch Covid-19, rất có thể tạo ra cuộc khủng hoảng nợ xấu mới như 10 năm trước.

Khó lặp lại việc xử lý trước đây

Về bản chất, nợ xấu do bùng nổ tín dụng và khủng hoảng tài chính, khác với nợ xấu do khủng hoảng kinh tế tạm thời. Đó là do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều khoản nợ xấu phát sinh từ những doanh nghiệp có khả năng phát triển nhưng bị mất thanh khoản tạm thời, và cả doanh nghiệp xác sống (zombie).

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 bắt nguồn từ bong bóng bất động sản, các khoản vay thế chấp dưới chuẩn, nên nợ xấu là của các công ty phá sản hay zombie.

Việc xử lý nợ xấu ngân hàng ở các nước thường tập trung vào 3 giải pháp chính, gồm phân loại lại nợ để tái cấu trúc, sàng lọc các ngân hàng yếu kém, và củng cố tài chính cho các  ngân hàng có tiềm lực tốt để đảm bảo khả năng cho vay của hệ thống ngân hàng.

Một số nghiên cứu thực chứng đã chỉ ra rằng, thời gian xử lý nợ xấu có thể cần đến 7 năm hoặc hơn. Như sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, 2/3 các nước có tỷ lệ nợ xấu cao (trên 7%) không thể đưa nợ xấu về ngưỡng an toàn sau 7 năm.

Với Việt Nam, tình hình nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại bắt đầu nghiêm trọng từ cuối năm 2011. Ban đầu, tỷ lệ nợ xấu báo cáo từ các tổ chức tín dụng 4,47%, nhưng sau đó ngân hàng nhà nước công bố 8,82%. Không những thế, khi đánh giá lại vào năm 2015, ngân hàng nhà nước còn cho biết có thời điểm ở năm 2012, tỷ lệ nợ xấu lên đến 17,21%.

Vào thời điểm đó, Chính phủ và ngân hàng nhà nước đã có những hành động kịp thời để xử lý khủng hoảng. Khởi đầu là Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015. Tiếp theo Chính phủ có Quyết định 843 phê duyệt các đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Với việc phân loại lại các khoản nợ xấu, chuyển một phần nợ xấu sang VAMC, sắp xếp tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém, tình hình nợ xấu đã phần nào được kiểm soát. Tuy nhiên nợ xấu vẫn còn ở ngưỡng nguy hiểm, nên việc xử lý cần được tiếp tục quyết liệt. Chính vì vậy, Nghị quyết 42 của Quốc hội và Đề án 1058 theo Quyết định 1058, tiếp tục xử lý nợ xấu và cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016-2020.

Nợ xấu lặp lại 10 năm trước, nhưng khó xử lý hơn - Ảnh 1

Hiện nay, nếu tính nợ xấu nội bảng là 1,63%, tương đương 135.000 tỷ đồng và tổng nợ xấu 4,43% tương đương 332.000 tỷ đồng, cho thấy tốc độ tăng của nợ xấu từ cuối 2019 đến nay rất đáng kể.

Nợ xấu của 22 ngân hàng thương mại cuối năm 2019 là 78.500 tỷ đồng, so với hiện nay đã tăng 72%, trong khi năm trước tăng 41%. Điều này cho thấy nợ xấu dù mức độ nguy hiểm có thể không khác 10 năm trước, nhưng trong bối cảnh kinh tế xã hội sau 10 năm và tình hình dịch Covid-19, sẽ không dễ lặp lại các kinh nghiệm từ lần xử lý trước.

Cảnh báo sớm, xử lý kịp thời

Hiện nay, các ngân hàng thương mại trong nước vẫn có nguồn thu chính từ hoạt động cho vay, và chênh lệnh về quy mô vốn giữa các ngân hàng là đáng kể. Đây là điểm yếu của hệ thống ngân hàng, dễ lan truyền và khuếch đại tác động của nợ xấu.

Xu hướng nhiều hệ thống ngân hàng hiện nay trên thế giới đa dạng hóa nguồn thu của mình, giảm dần phụ thuộc vào hoạt động cho vay, tăng nguồn thu từ các dịch vụ ngân hàng và hoạt động đầu tư tài chính.  Số lượng các ngân hàng nhỏ cũng giảm dần vì yêu cầu quy mô vốn ngày càng tăng, nếu không đáp ứng đủ phải thực hiện sáp nhập.

Điều đáng nói, việc xử lý nợ xấu tồn đọng cho đến nay vẫn còn vướng nhiều ở trình tự thủ tục pháp lý, giải pháp xử lý nợ xấu thông qua thủ tục rút gọn không được hiệu quả như kỳ vọng.

Mới đây, UBND TP HCM đã kiến nghị kéo dài việc thực hiện Nghị quyết 42 đến hết năm 2025. Một nguy cơ khác có thể khiến cho tình hình nợ xấu phức tạp hơn, là thị trường nợ của doanh nghiệp và hệ thống tín dụng phi chính thức (shadow banking).

Thời gian gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam phát triển rất nóng. Nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vay từ các tổ chức tín dụng, đã sử dụng các công cụ nợ khác như phát hành trái phiếu, hay vay trực tiếp từ doanh nghiệp khác. Trong trường hợp có một mắt xích quan trọng bị “gãy“, sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền và rất có thể thay đổi phân loại của nhiều nhóm nợ ở các NH.

Một số ngành bị ảnh hưởng của Covid-19 nặng nề hơn các ngành khác như hàng không, du lịch, dịch vụ, khách sạn nhà hàng. Vì thế, những ngân hàng có nhiều khách hàng vay trong các nhóm ngành này, khả năng bị gia tăng nợ xấu là rất lớn. Do đó cần chú ý đến những ngân hàng này, đặc biệt là các ngân hàng có quy mô khiêm tốn.

Theo đó, việc xử lý nợ xấu trong lúc này và thời gian tới, ngoài việc tiếp tục theo 3 giải pháp cơ bản như đã đề cập ở trên, cần tập trung phân loại các khoản nợ của các doanh nghiệp bị mất thanh khoản tạm thời, hay thực sự là các doanh nghiệp zombie.

Nếu là các doanh nghiệp bị mất thanh khoản tạm thời nhưng có khả năng vực dậy, cần có chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, từ ngân hàng. Bên cạnh đó, cần có hệ thống cảnh báo sớm liên quan đến thị trường nợ của doanh nghiệp, hệ thống vay nợ phi chính thức, để có những tiên liệu và giải pháp xử lý kịp thời.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục