Ngày pháp luật

Những mặt trái của đồng tiền FDI

Theo Minh Sơn Anh Tú/VnExpress

Những dự án FDI tỷ đô để lại không ít nỗi đau cho các nhà quản lý và người dân bản địa.

Những mặt trái của đồng tiền FDI - Ảnh 1

Cá chết giắt khe đá dọc bờ biển thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh tháng 4/2016. Ảnh: Đức Hùng

FDI và chuyện chọn cá hay chọn thép

Đầu tháng 4/2016, dọc bờ biển miền Trung ghi nhận hơn 70 tấn cá chết trôi dạt vào bờ, sự mở đầu cho một trong những thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử. Nguyên nhân chính, sau gần 90 ngày điều tra "cá chết", được xác định do việc xả thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa). 

Ngày 25/4/2016, ông Chu Xuân Phàm, Phó phòng đối ngoại Formosa gây dậy sóng dư luận với phát biểu "chọn cá hay chọn thép".

Ông Chu Xuân Phàm bị sa thải sau đó một ngày, lãnh đạo Formosa cúi đầu xin lỗi cùng khoản bồi thường 500 triệu USD, nhưng những con cá dọc bờ biển 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế thì không thể sống lại, biển miền Trung phải mất rất nhiều năm sau đó mới có thể phục hồi một phần.

Những mặt trái của đồng tiền FDI - Ảnh 2

Nhà máy nhiệt điện của Formosa. Ảnh: Đức Hùng

Dự án nhà máy sản xuất thép của Formosa - với quy mô rót vốn giai đoạn 1 gần 10 tỷ USD, một trong những dự án có quy mô lớn nhất đổ vào Việt Nam năm 2008 - từng là niềm tự hào của Hà Tĩnh. Nhưng đến năm 2016, Formosa được ông Phan Hữu Thắng – nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) nhận định là "thất bại lớn nhất của Việt Nam trong thu hút FDI".

500 triệu USD là khoản bồi thường chưa từng có với một vấn đề môi trường tại Việt Nam, nhưng con số này chưa là gì nếu so với quy mô vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD của Formosa vào Hà Tĩnh và càng khập khiễng nếu so với những tổn thất mà môi trường biển và ngư dân Việt Nam phải gánh chịu.

Những mặt trái của đồng tiền FDI - Ảnh 3

Hồng, mú, vược - những loại cá tự nhiên ở ngoài biển, con nhỏ nhất khoảng 1-2 gram, con lớn nặng 3-4 kg trôi dạt vào bờ biển Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng

Cuối tháng 8/2016, 4 tháng sau sự cố môi trường, 2 tháng sau lời xin lỗi của Formosa, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân thôn Ba Đồng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh vẫn nằm bờ phơi mưa phơi nắng tại cảng cá. Những tấm che rách tả tơi, mỏ neo gỉ sét, những cây dứa dại đầy gai đặt kín lòng thuyền, vừa tránh nắng mưa, vừa ngăn trẻ con phá hoại. Nơi đây từng đã đón hàng chục lượt tàu cá ra vào tấp nập mỗi ngày.

Những bãi tắm không một bóng khách du lịch, ngư dân loay hoay tìm kế sinh nhai khi "mất biển", người đi nuôi lợn, người đi buôn. Tính toán sơ bộ, sự cố ô nhiễm môi trường Formosa đã ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 100.000 người do không có việc làm ổn định, thu nhập thấp và hơn 176.000 người phụ thuộc.

“Ngoài huỷ hoại môi trường biển, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống ngư dân, sự cố cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung đã tác động xấu đến xuất khẩu, du lịch...”, bản báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội khoá XIV nhấn mạnh.

Sự việc của Formosa đã trở thành sự cố môi trường lớn nhất trong lịch sử thu hút FDI dù trước đó, Việt Nam tưởng như đã rút ra bài học với những sự cố môi trường khác trong quá khứ.

Năm 2008, Vedan - cũng một doanh nghiệp FDI Đài Loan tại huyện Long Thành, Đồng Nai đã xả một lượng nước thải lớn chưa qua xử lý ra sông Thị Vải. Sự việc khiến một đoạn sông dài trên 10 km gọi là “dòng sông chết”. Hai năm sau đó, Công ty Tung Kuang (100% vốn Đài Loan) tại Hải Dương cũng bị bắt quả tang xả thẳng nước thải chưa xử lý ra môi trường, vụ việc được đánh giá nghiêm trọng không kém Vedan trước đó.

Những mặt trái của đồng tiền FDI - Ảnh 4

Gian hàng đồ uống bên trong một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Anh Tú

Nhà đầu tư tỷ USD nhưng triền miên thua lỗ

Nếu cơ quan quản lý Việt Nam đã chứng minh được vi phạm môi trường của một số nhà đầu tư FDI thì trong lĩnh vực kinh tế, chuyển giá là một nỗi ám ảnh vẫn chỉ dừng lại ở "nghi vấn".

Chuyển giá hay nói theo cách đơn giản hơn là cách thức mà các doanh nghiệp FDI ghi nhận mức chi phí không bằng tiền quá cao, dẫn tới việc thua lỗ trong hoạt động kinh doanh để hạn chế tối đa các khoản phải nộp - là một "mặt trái" mà nhiều nước nhận vốn FDI, không riêng Việt Nam, phải đối mặt.

Theo báo cáo đầu năm 2018 của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến 37,9% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ trong năm 2017. Ngoài ra, có đến 90% doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc ở TP HCM có kết quả kinh doanh thua lỗ trong khi hầu hết đơn vị trong nước cùng ngành nghề đều có lãi. 

Ở một số địa phương thu hút nhiều doanh nghiệp FDI như TP HCM, Bình Dương, tỷ lệ doanh nghiệp FDI kê khai lỗ lên đến 50-60%, kéo dài trong nhiều năm. Năm 2010, hơn một nửa số doanh nghiệp ở Bình Dương báo lỗ, trong đó có 200 doanh nghiệp lỗ quá vốn chủ sở hữu. Ở Lâm Đồng, 104 trong tổng số 111 doanh nghiệp FDI kê khai lỗ trong năm 2009 và nhiều năm trước đó.

Thua lỗ triền miên là thực trạng của không ít doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng điều "lạ lùng" là họ vẫn không ngừng đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

"Chúng ta phải đặt câu hỏi ngược lại, nếu không hiệu quả tại sao họ lại đầu tư như vậy", bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng Thanh Tra, Tổng cục Thuế nhận xét.

Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VI trong một hội thảo hồi tháng 7 nêu thẳng nghi vấn chuyển giá với một số doanh nghiệp FDI lớn như: CocaCola, Metro Việt Nam, Adidas Group, siêu thị Big C, Công ty PepsiCo Việt Nam, Công ty TNHH Sumitomo Bakelite Việt Nam, Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam... Một trong những lý do là các đơn vị này có "lịch sử" lỗ kéo dài tại Việt Nam nhưng vẫn mở rộng đầu tư. 

Một nghịch lý là các doanh nghiệp FDI thường đứng đầu về doanh thu, tỷ trọng xuất nhập khẩu nhưng chưa khi nào vào top đầu về đóng thuế nhiều nhất.

Cocacola, Pepsico nắm giữ gần một nửa thị phần đồ uống có ga tại Việt Nam với tổng doanh thu hàng năm hơn 20.000 tỷ đồng, nhưng cả hai đế chế đồ uống này mới có lãi trở lại trong 5 năm gần đây khi nghi vấn chuyển giá được nhắc đến. Trước đó, cả hai triền miên thua lỗ dù đều đặn đổ thêm hàng trăm triệu USD vốn đầu tư vào Việt Nam. Cả khi đóng thuế trở lại, con số này cũng ở mức chỉ vài trăm tỷ đồng, tương đương khoảng 1-2% tổng doanh thu.

Những mặt trái của đồng tiền FDI - Ảnh 5

Hình ảnh bên trong một nhà máy sản xuất hàng may mặc tại Bắc Giang. Ảnh: Reuters

Không riêng câu chuyện chuyển giá, bài toán tạo sự liên kết giữa khối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cũng là một vấn đề chưa có lời giải.

FDI từng được coi là động lực để kéo khối công nghiệp phụ trợ kéo nhóm doanh nghiệp sản xuất trong nước cùng đi lên. Nhưng thực tế những năm gần đây, kỳ vọng này vẫn là một "giấc mơ" xa vời.

Ngay như với Samsung Việt Nam, một trong những nhà đầu tư FDI lớn nhất với quy mô đầu tư gần 20 tỷ USD và doanh thu hàng năm lên tới cả triệu tỷ đồng cũng chỉ có vài chục doanh nghiệp nội địa có thể đáp ứng yêu cầu trở thành đơn vị cung cấp phụ tùng. Một cái ốc vít cũng là một chi tiết quá sức với phần lớn doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.

Nguyên Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư - Bùi Quang Vinh trong lần chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội tháng 11/2011 đã thừa nhận dòng vốn FDI xuất hiện những mặt trái sau một thời gian Việt Nam "trải thảm đỏ" đón những nhà đầu tư nước ngoài. 

Chính ông cũng tự đặt câu hỏi: "Ưu đãi như vậy thử hỏi rằng doanh nghiệp nuôi địa phương hay địa phương đang nuôi doanh nghiệp?" và cho rằng, hệ lụy với chính sách ưu đãi tràn lan là sự xuất hiện của nhiều vấn đề khác như ô nhiễm môi trường, tiền trong nước chảy ra nước ngoài...

Tuy nhiên, việc xử lý những vấn đề này lại không hề đơn giản.

Những sự cố môi trường với những biện pháp xử phạt hành chính để lại dấu hỏi lớn về tính răn đe, liệu con số xử phạt có tương xứng với hậu quả gây ra, cũng như lợi ích mà các doanh nghiệp FDI kia nhận được.

Hay như vấn đề chuyển giá, TS Đặng Văn Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm toán nhà nước cho rằng, hiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam chưa hoàn thiện, văn bản pháp luật quy định cũng chưa đầy đủ và rõ ràng, chế tài chưa đủ mạnh. Việc truy thu chủ yếu dựa vào hiệp thương với doanh nghiệp, chưa áp dụng dữ liệu và phương pháp xác định lại giá vì thế nên chưa có tính răn đe.

Trong khi đó, câu chuyện thiếu sự liên kết không thể đổ lỗi hoàn toàn cho các doanh nghiệp FDI khi chính những doanh nghiệp Việt Nam lại không đủ năng lực thực hiện. Hệ quả nhãn tiền là những doanh nghiệp FDI có thể rời đi ngay khi những điều kiện thu hút đầu tư không còn hấp dẫn. Sự ra đi của dòng vốn FDI tại Trung Quốc gần đây khi giá nhân công tăng lên và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra là một ví dụ điển hình.

"Họ mất một năm để mang nhà xưởng, máy móc đến Việt Nam thì họ cũng mất bằng đó thời gian để rời đi khi không có sự ràng buộc", TS Lê Văn Hùng, Viện Kinh tế Việt Nam nói với VnExpress. Theo ông Hùng, hiện nay nhiều doanh nghiệp FDI chọn Việt Nam do ưu thế về giá nhân công và những ưu đãi khi đổ vốn đầu tư, tuy nhiên họ lại không có những ràng buộc chặt chẽ với Việt Nam, ví như các chuỗi liên kết với doanh nghiệp nội. 

Khó có điều gì giữ chân các doanh nghiệp FDI khi điều kiện ưu đãi không còn hấp dẫn, họ có thể dễ dàng rời bỏ Việt Nam để tìm những điểm đến hấp dẫn hơn.

Sự đóng góp của nhóm doanh nghiệp FDI vào kinh tế Việt Nam là điều không cần bàn cãi, gần 1/4 GDP hàng năm, hàng trăm tỷ USD xuất nhập khẩu, một tỷ lệ lớn trong thu ngân sách. Nhưng đổi lại, mặt trái của dòng tiền FDI không nhỏ. 

Những bài học, nỗi buồn từ các dòng vốn ngoại được đánh giá là tồn tại thứ yếu trong quá trình phát triển trên nền tảng của một nền kinh tế quá yếu sau chiến tranh, nguồn nhân lực chưa kịp đào tạo đầy đủ để tiếp cận quản lý các vấn đề mới, nhất là khi chuyển sang quản lý theo cơ chế thị trường. "Tuy nhiên, nếu cứ như vậy mãi, không có các giải pháp khắc phục sớm thì mặt trái của đồng tiền FDI sẽ lấn lướt mặt tích cực. Và rồi không rõ chúng ta sẽ đi đến đâu với FDI", nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng kết luận.

Nếu không có lời giải thỏa đáng, Việt Nam sẽ phải đối mặt tiếp với câu hỏi "khi doanh nghiệp nước ngoài rời đi, Việt Nam sẽ còn lại gì". 

Tin Cùng Chuyên Mục