Những mã cổ phiếu bên lề cuộc chơi

Theo Sài Gòn đầu tư

Trái ngược với sự khởi sắc của thị trường chung, nhiều mã cổ phiếu hầu như không nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư. Sự thờ ơ của nhà đầu tư khiến những mã cổ phiếu này gần như tách biệt với sự sôi động của thị trường vì không có thanh khoản và giá rẻ bèo.

Sao đổi ngôi

Theo số liệu thống kê trên cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM, hiện có 88 mã cổ phiếu đang giao dịch dưới mốc 5.000 đồng/cổ phiếu, trong đó có 6 mã giao dịch dưới mốc 1.000 đồng/cổ phiếu, 10 mã từ 1.000-2.000 đồng/cổ phiếu và 19 mã 2.000-3.000 đồng/cổ phiếu.

Cụ thể, 6 mã cổ phiếu đang có mức giá dưới mốc 1.000 đồng, gồm ATG (CTCP An Trường An), CLG (CTCP Đầu tư và Phát triển nhà đất Cotec), DPS (CTCP Đầu tư phát triển Sóc Sơn), HKB (CTCP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc), NHP (CTCP Sản xuất và Xuất nhập khẩu NHP) và VMI (CTCP Khoáng sản và Đầu tư Visaco).

Những mã cổ phiếu bên lề cuộc chơi - Ảnh 1

Điểm chung của những mã cổ phiếu này hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình trạng thua lỗ kéo dài, liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Đơn cử, CLG bị đưa vào diện tạm ngưng giao dịch từ cuối năm 2020 do liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Trước đó, vào tháng 10/2020 CLG đã bị đưa vào diện bị kiểm soát đặc biệt sau khi bị cảnh báo.

Điều đáng nói, sau khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, CLG tiếp tục nhận công văn nhắc nhở từ HOSE về việc chậm nộp báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý II/2020, báo cáo tài chính riêng và hợp nhất soát xét bán niên năm 2020 và báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý III/2020.

Cũng với lý do tương tự, HKB bị đưa vào diện tạm ngừng giao dịch từ ngày 17/11/2020. Trước đó, HKB bị đưa vào diện bị kiểm soát do liên tục vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán và không khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc bị đưa vào diện cảnh báo.

Giải trình nguyên nhân cổ phiếu bị kiểm soát, HKB cho biết do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn đến sự tập hợp các hồ sơ, tài liệu và nhân sự từ các đơn vị công ty thành viên không kịp thời, nên công ty chưa có đủ điều kiện rà soát nhằm thống nhất với nội dung của đơn vị kiểm toán để phát hành báo cáo tài chính kiểm toán 2019 kịp thời hạn công bố thông tin.

Ngoài ra HKB đang hoạt động trong tình cảnh thua lỗ kéo dài. Theo báo cáo tài chính quý IV/2020, HKB báo lỗ 15,3 tỷ đồng, nâng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến thời điểm cuối năm 2020 là âm 88,8 tỷ đồng.  

Trước khi rơi vào thảm cảnh như hiện nay, HKB từng là “ngôi sao sáng” trên sàn HNX. Năm 2015, HKB niêm yết chính thức trên HNX với giá tham chiếu 15.000 đồng/cổ phiếu.

Thời điểm chào sàn HKB được đánh giá là một trong những doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, khi kết quả kinh doanh năm 2014 khả quan với 455 tỷ đồng doanh thu và 19 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu thay đổi từ năm 2017 khi KHB liên tục thua lỗ.

Cụ thể, năm 2017 lỗ 67,3 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 142,7 tỷ đồng và năm 2019 báo lãi chỉ 2 tỷ đồng. Từ mức đỉnh gần 35.000 đồng/cổ phiếu thời điểm giữa năm 2016, HKB rơi tự do xuống chỉ còn 800 đồng/cổ phiếu. 

Thanh khoản kiệt quệ 

Không chỉ nhóm cổ phiếu có giá bèo, nhiều mã có giá trị cực cao cũng không nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, khiến cổ phiếu mất thanh khoản trầm trọng. Đơn cử, 4 mã CAB (Tổng CTCP Truyền hình cáp Việt Nam) và FOC (CTCP Dịch vụ trực tuyến FPT), HLB (CTCP Bia và Nước giải khát Hạ Long), TBD (Tổng CTCP Thiết bị điện Đông Anh), hiện đang niêm yết trên UPCoM với mức giá trên 100.000 đồng/cổ phiếu.

Kể từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán từ tháng 9-2019 đến nay, CAB không có bất kỳ giao dịch nào và giá cổ phiếu vẫn đứng ở mức tham chiếu 140.900 đồng/cổ phiếu trong hơn 1 năm qua.

Các mã FOC, HLB, TBD cũng không khá hơn khi thường xuyên rơi vào tình trạng mất thanh khoản trầm trọng do không có người mua, trong khi bên nắm giữ cũng không muốn bán ra.

Nhóm ngành mất thanh khoản nhất trên thị trường chứng khoán hiện nay là nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp cung cấp nước. Theo thống kê, chỉ riêng sàn UPCoM có hơn 20 mã cổ phiếu nước nhưng hầu như không có mã cổ phiếu nào có thanh khoản. Dù mất thanh khoản nhưng nhóm cổ phiếu nước lại đang neo ở mức giá khá cao. CTW (CTCP Cấp thoát nước Cần Thơ), BWS (CTCP Cấp nước Bà Rịa - Vũng Tàu) và VCW (CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà), hiện đang giao dịch ở mức giá lần lượt 30.000 đồng/cổ phiếu, 35.000 đồng/cổ phiếu và xấp xỉ 50.000 đồng/cổ phiếu.

Tình trạng mất thanh khoản còn xuất hiện ở nhiều mã cổ phiếu trên sàn HOSE. Trong bối cảnh dòng tiền chảy mạnh vào thị trường chứng khoán khiến sàn HOSE thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, nhưng vẫn có nhiều mã đang niêm yết gần như không nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, dù tình hình sản xuất kinh doanh khá hiệu quả.

Đơn cử, BTT (CTCP Dịch vụ - Thương mại Bến Thành), CEE (CTCP Xây dựng hạ tầng CII), CMV (CTCP Thương nghiệp Cà Mau), COM (CTCP Vật tư xăng dầu), EMC (CTCP Cơ điện Thủ Đức), HOT (CTCP Dịch vụ - Du lịch Hội An), LGC (CTCP Đầu tư cầu đường CII), OPC (CTCP Dược phẩm OPC), SFC (CTCP Nhiên liệu Sài Gòn), SVI (CTCP Bao bì Biên Hòa).

Thiếu quan tâm IR

Nếu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và liên tục vi phạm công bố thông tin không được nhà đầu tư chú ý là hiện tượng bình thường, việc cổ phiếu có giá cao mất thanh khoản là hiện tượng khá bất thường.

Theo lãnh đạo một CTCK, điều này cho thấy hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) của nhiều doanh nghiệp đang bị coi nhẹ, dẫn đến tình trạng chưa phân bổ nguồn lực hợp lý cho hoạt động này.

Trong khi IR là hoạt động quan trọng để xây dựng niềm tin với nhà đầu tư và công chúng, giúp doanh nghiệp thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, phản ánh đúng giá trị thực và gia tăng thanh khoản cho cổ phiếu.

Ở thời điểm hiện tại chỉ có khoảng 50% doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán đạt chuẩn công bố thông tin. Theo số liệu công bố tại lễ trao giải Báo cáo thường niên 2020, công tác công bố thông tin của doanh nghiệp năm 2020 bị giảm điểm, chỉ đạt 54% so với 69,4% năm 2019. Nhiều doanh nghiệp sau khi đạt được mục tiêu phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hay niêm yết cổ phiếu thường bỏ lơ hoạt động IR.

Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt thông tin, làm giảm lòng tin của nhà đầu tư đối với doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp niêm yết cần thiết lập bộ phận IR riêng với bộ tiêu chí rõ ràng tích hợp hoạt động tài chính, truyền thông đảm bảo mối quan hệ hiệu quả, bền vững, đa chiều, giúp cộng đồng đầu tư đánh giá đúng về giá trị của doanh nghiệp. 

 

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục