Ngày pháp luật

Những công ty có doanh thu tỷ USD

Theo Nhà đầu tư

Năm 2020 được đánh giá là năm đỉnh điểm của khó khăn với nền kinh tế, song nhiều doanh nghiệp vẫn ghi nhận doanh thu hàng tỷ USD.

Nhiều công ty tăng trưởng mạnh

Các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán có quy mô doanh thu tỷ USD nằm ở nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau, từ bán lẻ cho tới bất động sản, dầu khí, hàng không.

Những công ty có doanh thu tỷ USD - Ảnh 1

Đứng đầu về quy mô doanh thu trong năm 2020 là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã PLX), với 124.000 tỷ đồng, tương đương gần 5,4 tỷ USD. Dù con số này sụt giảm 34,6% so với năm 2019.

 

Doanh thu tỷ USD, cổ phiếu định giá chưa đạt 1 USD

Nhiều doanh nghiệp trong nhóm có doanh thu tỷ USD trong năm 2020 như POW, BSR, OIL, PGV, TVN được định giá thấp. Cụ thể, tại ngày 2/3, cổ phiếu POW của Tổng công ty Điện lực Dầu khí đang giao dịch quanh mốc 13.000 đồng/cổ phiếu.

Trong vòng một năm qua, mặc cho thị trường chứng khoán sôi động, thị giá POW vẫn ì ạch, thậm chí có thời điểm nằm dưới mệnh giá.

Cổ phiếu OIL cũng trong tình trạng tương tự. Cổ phiếu này đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua ở mức 15.000 đồng/cổ phiếu, tương đương hơn 0,5 USD/cổ phiếu.

Cổ phiếu PGV của Tổng công ty Phát điện 3 đang giao dịch 18.000 đồng/cổ phiếu trong khi doanh thu đạt 40.315 tỷ đồng.

Cổ phiếu TVN của Tổng công ty Thép Việt Nam cũng đang loanh quanh vùng giá 12.000 – 14.500 đồng/cổ phiếu, dù cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp cùng ngành đã có sự bật tăng mạnh mẽ. Năm 2020, TVN có doanh thu đạt 31.377 tỷ đồng.

Kế đến là Tập đoàn Vingroup (VIC), với doanh thu thuần 110.462 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD; Công ty cổ phần Thế giới di động (MWG) ghi nhận doanh thu 108.546 tỷ đồng, Tập đoàn Masan (MSN) ghi nhận 77.218 tỷ đồng (khoảng 3,35 tỷ USD), Công ty cổ phần Vinhomes (VHM) ghi nhận 70.890 tỷ đồng (khoảng hơn 3 tỷ USD), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, VNM) đạt 59.636 tỷ đồng (gần 2,6 tỷ USD), Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đạt 57.959 tỷ đồng (khoảng 2,51 tỷ USD), Tổng công ty Dầu Việt Nam (OIL) đạt 50.010 tỷ đồng (2,17 tỷ USD), Vietnam Airlines (HVN) đạt 40.613 tỷ đồng (1,76 tỷ USD); Tổng công ty Điện lực Dầu khí (POW) với 29.709 tỷ đồng (trên 1,2 tỷ USD)…

Trong nhóm này lại có sự phân hóa mạnh về tốc độ tăng doanh thu và lợi nhuận. Một số doanh nghiệp bứt phá trong năm 2020 như Masan, Hòa Phát, VHM, một số doanh nghiệp tăng nhẹ doanh thu như MWG, VNM.

Trong khi nhiều doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm so với năm 2019 như PLX, OIL, BSR, HVN, VIC…

Năm qua, MSN ghi nhận doanh thu tăng gấp hai lần so với năm 2019, nhờ sự đóng góp tăng tốc ở mảng kinh doanh thịt, tiêu dùng, hợp nhất các mảng kinh doanh mới sáp nhập.

Đáng chú ý, 2020 là năm đầu tiên MSN vận hành quản lý chuỗi siêu thị Vinmart cho lợi nhuận, dù mức lãi khá khiêm tốn với 16 tỷ đồng, nhưng lần đầu chuỗi siêu thị này có EBITDA dương.

Lợi nhuận thuần phân bổ cho các cổ đông đạt 1.234 tỷ đồng. Crown X, công ty nắm giữ lợi ích của Masan tại VinCommerce và Masan Consummer Holdings, đã vươn lên vị trí số 2 trong số các công ty kinh doanh trong lĩnh vực tiêu dùng với doanh thu thuần 54.277 tỷ đồng, xấp xỉ 2,5 tỷ USD, trong năm 2020.

Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng có sự tăng trưởng ngoạn mục với doanh thu đạt 91.279 tỷ đồng, tương đương 3,96 tỷ USD, tăng gấp 1,4 lần so với năm 2019.

Lĩnh vực sản xuất thép đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng. Lần đầu tiên Thép Hòa Phát đạt mức 5,8 triệu tấn thép thô, gấp đôi năm 2019.

Lĩnh vực nông nghiệp cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, đóng góp tới 11,7% doanh thu và 12,4% lợi nhuận sau thuế. Hòa Phát đã định hình vị thế hàng đầu sau 5 năm đầu tư vào nông nghiệp, vượt qua nhiều tên tuổi lâu năm trong ngành.

Bất động sản công nghiệp với tỷ lệ cho thuê lấp đầy 100% cũng là dấu ấn của HPG trong năm qua.

Doanh thu cao, lợi nhuận có dày?

Duy trì được quy mô doanh thu tỷ USD, nhưng một số doanh nghiệp cho thấy rõ sự sụt giảm mạnh mẽ về lợi nhuận năm 2020. Dù giá dầu có sự phục hồi vào cuối năm, song BSR vẫn lỗ tới 2.809 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 2.914 tỷ đồng.

Tại Tập đoàn Masan, lợi nhuận thuần thuộc về công ty mẹ đạt 1.234 tỷ đồng, giảm 77,8% so với năm 2019.

Theo Masan, nguyên nhân là do ảnh hưởng từ hợp nhất VinCommerce và phần lợi ích của cổ đông thiểu số tại Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (MCH) tăng do pha loãng tỷ lệ sở hữu của MSN.

Tại Tập đoàn Vingroup, lợi nhuận sau thuế đạt 4.388 tỷ đồng, biên lợi nhuận ròng đạt 3,97%. Trong đó, doanh thu từ lĩnh vực bất động sản, hoạt động sản xuất tiếp tục có tăng trưởng mạnh mẽ, còn doanh thu từ lĩnh vực du lịch giải trí sụt giảm.

Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản Vingroup đạt 424.268 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 135.757 tỷ đồng, tăng lần lượt 5% và 13% so với cuối năm 2019.

Năm qua, MWG ghi nhận lãi ròng đạt 3.920 tỷ đồng, biên lợi nhuận ròng đạt 3,6%.

Vietnam Airlines công bố con số doanh thu thuần 2020 gần 40.613 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019; lợi nhuận sau thuế âm gần 11.098 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 2.537 tỷ đồng. Lỗ cơ bản trên mỗi cổ phiếu HVN năm 2020 lên tới 7.646 đồng.

Tăng tốc trong năm 2021

Lãnh đạo Masan cho biết, phát triển nền tảng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu, thực phẩm tươi sống, các sản phẩm dịch vụ tài chính và các dịch vụ giá trị gia tăng là đích đến của Masan khi quyết định mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ. Từ nền tảng đã được thiết lập, 2021 là năm bản lề để Masan hiện thực hóa tầm nhìn này.

Năm 2021, doanh thu của Masan dự kiến tăng trưởng từ 20 - 40% nhờ sự bứt phá của CrownX, mảng kinh doanh thịt và sự hợp nhất nền tảng H.S.Stack và Misubishi Materials Corporation. Tập đoàn đặt mục tiêu biên EBITDA từ 15 - 20%, biên lợi nhuận thuần đạt 3 - 5% nhờ VCM đạt biên EBITA dương và mảng kinh doanh thịt của MML tiếp tục cải thiện biên EBITDA.

Với TVN, được biết, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã bắt tay cùng Tổng công ty cải thiện tình hình kinh doanh trong năm 2021, đưa một trong những thành viên của TVN là Thép Thái Nguyên vực dậy có lãi nhờ lợi thế giá phôi tốt.

TVN cũng đang được tiến hành quyết toán cổ phần hóa doanh nghiệp, mở đường cho việc thoái vốn các công ty con của TVN và triển khai các kế hoạch đầu tư.

Trong khi đó, MWG đặt mục tiêu doanh thu năm 2021 đạt 125.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.750 tỷ đồng, tăng lần lượt 15% và 21% so với kết quả đạt được của năm 2020. Lãnh đạo MWG cho biết, thị trường còn nhiều rủi ro tiềm ẩn do tình hình dịch Covid-19 chưa hoàn toàn chấm dứt, nhưng MWG quyết tâm trở lại đà tăng trưởng hai chữ số.

Tập đoàn Hòa Phát cũng lên kế hoạch tăng tốc từ đầu năm 2021. Công ty cổ phần Vận tải biển Hòa Phát đã hoàn thành mua và tiếp nhận hai chiếc tàu biển chở hàng rời cỡ lớn với trọng tải 90.000 tấn.

Các tàu này sẽ chuyên vận tải than và quặng sắt cho tập đoàn. Ông Doãn Quang Thịnh, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải biển Hòa Phát cho biết, Công ty có kế hoạch mua thêm tàu để phục vụ Dự án Dung Quất 2, khi nhu cầu nhập máy móc thiết bị và nguyên vật liệu sản xuất của Hòa Phát sẽ tăng gấp 2 - 3 lần so với hiện nay.

Năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến vẫn còn phức tạp, vì vậy, các doanh nghiệp lên kế hoạch chủ động kinh doanh từ đầu năm, tận dụng các cơ hội để có thể bứt phá về doanh thu.

 

Thị giá thấp đều có câu chuyện riêng

Khi một số công ty chứng khoán đưa doanh nghiệp Việt Nam ra giới thiệu với các quỹ đầu tư nước ngoài, họ đánh giá doanh nghiệp có cơ hội nhưng rủi ro cao hơn nhiều vì lợi nhuận thấp nhưng nợ vay cao, dùng đòn bẩy tài chính lớn.

Một số doanh nghiệp tỷ USD có thị giá cổ phiếu thấp như BSR, POW, OIL hay TVN… đều có những đặc thù câu chuyện riêng.

Thời gian qua, các doanh nghiệp dầu khí đi ngang do sản lượng dầu không phát triển được, trữ lượng mỏ cản kiệt, giá dầu đi xuống mạnh.

Trong khi TVN hoạt động theo mô hình holdings, sở hữu nhiều công ty và hiệu quả kinh doanh phụ thuộc vào sự phát triển của các công ty con, công ty thành viên…

-Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục