Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam vừa cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho MobiFone và Viettel. Đây là điều kiện để các doanh nghiệp viễn thông có thể cung cấp dịch vụ Mobile Money ngay sau khi Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm.
Theo đó, MobiFone được cấp phép triển khai các dịch vụ trung gian thanh toán điện tử gồm dịch vụ cổng thanh toán điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ - chi hộ, dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử và dịch vụ ví điện tử. Đại diện nhà mạng cho biết đã sẵn sàng kết nối với các điểm chấp nhận dịch vụ thanh toán, cung cấp các dịch vụ trung gian thanh toán trên hạ tầng điện tử. Ngoài ra, các điều kiện về kỹ thuật, công nghệ, chính sách nhằm bảo đảm an toàn, bảo mật tránh gây lộ lọt thông tin của khách hàng cũng đã được chuẩn bị.
Còn đại diện nhà mạng Viettel cho biết đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ tới 100% khách hàng đang sử dụng dịch vụ của đơn vị này. Viettel có kinh nghiệm triển khai Mobile Money tại 6 thị trường nước ngoài, đồng thời đã triển khai thử nghiệm thành công Mobile Money cho 40.000 khách hàng nội bộ vào cuối năm 2020.
Mobile Money là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động.
Theo chấp thuận ngày 9/3 của Thủ tướng, thời gian thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money là 2 năm.. Chính phủ cũng quy định hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng đối với mỗi tài khoản Mobile Money cho tổng các giao dịch như rút tiền, chuyển tiền và thanh toán. Thanh toán khi giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ của các đơn vị chấp nhận thanh toán bằng tài khoản Mobile Money.
Các trường hợp như thuê, cho thuê, mượn cho mượn hoặc trao đổi, mua bán tài khoản thông tin Mobile Money hay các hành động cung ứng hoặc sử dụng tài khoản Mobile Money để giao dịch cho mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận,...đều là hành vi bị cấm.