Thanh toán không dùng tiền mặt phát triển ngày một mạnh mẽ hơn, nhiều dịch vụ thanh toán như ngân hàng số, ví điện tử đang giúp ích cho người dùng hàng ngày. Trong thời gian tới, xu hướng này sẽ còn nở rộ hơn nữa nhờ dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động (Mobile Money) với sự tham gia của các nhà mạng viễn thông.
Hiện Mobile Money vẫn chưa có định nghĩa chính thức tại bất kỳ bộ luật nào tại Việt Nam, nhưng khái niệm ví điện tử lại khá quen thuộc với nhiều người dân. Mobile Money về bản chất là e-money hay ví điện tử nhưng không có liên kết tài khoản ngân hàng. Khi ứng dụng vào cuộc sống, Mobile Money sẽ giúp người dân có thể sử dụng tài khoản di động để chuyển tiền và thanh toán hàng hoá có giá trị nhỏ nhanh chóng.
Tại Việt Nam, Thủ tướng vừa phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) và Ngân hàng Nhà nước cũng đang lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012 quy định về thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó cho phép người dùng Mobile Money không phải liên kết qua tài khoản ngân hàng mà có thể nạp tiền rút tiền mặt trực tiếp tại các cửa hàng viễn thông của những nhà mạng được chọn thí điểm.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, chậm nhất đến tháng 6/2020 sẽ triển khai dịch vụ Mobile Money. Các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, MobiFone, VNPT cũng cho biết đã sẵn sàng chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết và sẵn sàng cung ứng ngay dịch vụ Mobile Money nếu được cấp phép.
Mobile Money là ví điện tử hoàn thiện hơn
Mobile Money được phép triển khai, liệu có ảnh hưởng đến sự tồn tại, phát triển của hơn 20 loại ví điện tử hiện nay đang có mặt trên thị trường hay không?
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, Mobile Money sẽ cạnh tranh với ví điện tử. Mobile Money là một hình thức tương tự ví điện tử, nhưng Mobile Money là một cách làm tốt hơn ví điện tử khi giúp người dân không có tài khoản ngân hàng, có thể mở các tài khoản nhỏ di động để từ đó thanh toán thay thế tiền mặt. Ông Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, triển khai Mobile Money sẽ đặc biệt hữu ích ở các vùng sâu vùng xa, những vùng mà người dân không có tài khoản, không có dịch vụ ngân hàng.
Tuy nhiên, nhiều các chuyên gia kinh tế lại cho rằng, việc cạnh tranh giữa ví điện tử và Mobile Money sẽ khó xảy ra do mục tiêu và phân khúc thị phần của các phương thức thanh toán này có nhiều khác biệt.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, phân khúc khách hàng của những loại hình này tương đối khác nhau, Mobile Money sẽ chủ yếu tập trung vào những người đã có số điện thoại, đặc biệt là những người có điện thoại smartphone, đối tượng chi tiêu của Mobile Money rất nhỏ lẻ và ở khắp mọi nơi kể cả ở nông thôn, thành thị, miền núi xa xôi hẻo lánh…
Mobile Money và các ví điện tử hiện nay có cùng mục đích là thanh toán các món nhỏ lẻ nhằm tạo một cộng động thanh toán không dùng tiền mặt, tiết kiệm chi phí cho xã hội cả ở khâu in tiền và phát hành tiền mệnh giá nhỏ. Nhưng theo dự kiến, Mobile Money hướng tới phục vụ các khoản thanh toán nhỏ lẻ nên hạn mức thanh toán của phương thức này được giới hạn ở mức thấp hơn nhiều so với ví điện tử.
Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, việc xây dựng thí điểm Mobile Money đang được xây dựng hạn mức thanh toán dự kiến 10 triệu đồng/tháng đối với một tài khoản Mobile Money được định danh. Trong khi theo quy định của Thông tư 23/2019, tổng hạn mức giao dịch qua các ví điện tử cá nhân của 1 khách hàng tại 1 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử (bao gồm giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp và giao dịch chuyển tiền từ ví điện tử cho ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử mở) tối đa là 100 triệu đồng trong một tháng.
Theo số liệu thống kê của Vụ Thanh toán, tính đến cuối tháng 4/2020, thanh toán qua kênh điện thoại di động (bao gồm mobile banking, ví điện tử,) tăng 189% về số lượng và 166,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019./.
Hiện nay, đã có 90 quốc gia trên thế giới phát triển nền tảng thanh toán qua điện thoại di động. Số lượng người sử dụng dịch vụ này là 900 triệu người dùng, chiếm 1/7 dân số thế giới. Tổng giá trị giao dịch mỗi ngày thông qua Mobile Money khoảng 1,3 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 20% mỗi năm, riêng châu Á tăng trưởng 31%. Tại một số nước, tỷ lệ người dân sử dụng Mobile Money trên 50%.