Sức hấp thụ vốn của thị trường đang khá yếu. 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng trong nước chỉ 2,45%, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 7,33%. Lãi suất giảm nhưng người dân không mặn mà vay vốn vì chưa tìm được kênh tiêu thụ vốn. Dưới tác động của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cả khách hàng cá nhân chưa tìm được kênh đầu tư, cũng như chưa mạnh dạn mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Tại nhiều ngân hàng (NH) hiện nay, huy động vẫn tăng trưởng cao hơn. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính từ đầu năm đến ngày 20/5, số tiền huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư của các ngân hàng ước đạt khoảng 162.700 tỷ đồng, bình quân đạt hơn 1.160 tỷ/ngày. Trong khi cho vay, chỉ đạt đạt khoảng 108.200 tỷ, tương đương 773 tỷ mỗi ngày. Tại nhiều địa phương, có hiện tượng dư thừa nguồn vốn, huy động nhiều hơn cho vay.
Dư thừa vốn khiến lãi suất huy động trên thị trường liên ngân hàng và các tổ chức doanh nghiệp và cư dân gần đây giảm. Đồng thời, lãi suất cho vay cũng giảm để kích thích khách hàng vay vốn.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy huy động vốn đến ngày 19/6 tăng 4,35% so với cuối năm 2019, cao gần gấp đôi mức tăng trưởng tín dụng tại cùng thời điểm. Thanh khoản của các NH thương mại hiện ở mức dư thừa. Lãi suất trên thị trường liên NH cũng về mức thấp kỷ lục từ trước đến nay.
Số lượng các NH thương mại công bố giảm lãi suất tiền gửi tiếp tục mở rộng trong tuần vừa qua. Mặt bằng lãi suất huy động hiện tại đã thấp hơn 0,75-1% ở kỳ hạn dưới 6 tháng và thấp hơn từ 1-2% ở các kỳ hạn 6 tháng trở lên so với thời điểm cuối năm ngoái.
Từ sau dịch Covid-19 đến nay, ngành ngân hàng đã 3 lần đồng loạt giảm lãi suất huy động. Từ đầu tháng 7/2020, tại nhiều ngân hàng, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng chỉ còn 3,9%-4,05%/năm, lãi suất cao nhất 13 tháng khoảng 7,8%/năm.
Không chỉ lãi suất trên thị trường 1 (thị trường giữa ngân hàng thương mại và tổ chức, cá nhân) mà lãi suất liên ngân hàng (lãi suất cho vay giữa các ngân hàng với nhau) hiện cũng giảm mạnh, cho thấy thanh khoản của ngân hàng rất dồi dào. Chính vì thế, nhiều ngân hàng đã đưa ra nhiều gói lãi suất vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp và cá nhân để đẩy vốn ra thị trường.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng ngoài giảm lãi suất huy động đầu vào còn phải tiết giảm chi phí, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. Trong bối cảnh nhu cầu vay vốn giảm mạnh, hệ thống ngân hàng lại không thiếu vốn, vì vậy không ít ngân hàng đã chấp nhận điều này để giảm thêm lãi suất cho vay.
Làn sóng hạ lãi suất huy động tiếp tục diễn ra ở nhiều NH thương mại. Biểu lãi suất mới liên tục được áp dụng với xu hướng điều chỉnh ở nhiều kỳ hạn. Hiện lãi suất gửi thấp nhất trên thị trường được ghi nhận tại NH Techcombank. Trong biểu lãi suất mới nhất của NH này, lãi suất gửi tại quầy kỳ hạn 1 tháng còn 3,15%-3,65% (khách hàng thường, tùy độ tuổi và số tiền). Nếu nhận lãi trước, khách hàng được trả lãi suất 3%/năm.
NH Vietcombank cũng vừa giảm thêm lãi suất huy động kỳ hạn dài: kỳ hạn 36 tháng còn 5,8%/năm, giảm 0,2 điểm %. Đây cũng là mức lãi suất thấp nhất cùng kỳ hạn ở nhóm 4 NH thương mại nhà nước. Trước đó, Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank đã đồng loạt hạ lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn, trong đó kỳ hạn ngắn từ 1-2 tháng giảm chỉ còn 3,7%/năm. Một số NH khác như Nam A Bank, VPBank, TPBank, HDBank… cũng giảm lãi suất đầu vào.
Các chuyên gia cho rằng, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 hiện nay, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế chậm lại. Nguyên nhân do doanh nghiệp chưa có đầu ra nên những công ty lớn chưa mặn mà, cũng như không có nhu cầu vay vốn triển khai dự án mới. Ngược lại, với các doanh nghiệp nhỏ, do ảnh hưởng của dịch bệnh lên hoạt động sản xuất - kinh doanh, ngân hàng cũng cẩn trọng khi rót vốn vay.
Link bài gốc