Ngày pháp luật

Nhìn lại khủng hoảng kinh tế 2008: 10.000 tỷ USD bị cuốn trôi, 30 triệu người mất việc

Theo VnExpress

10.000 tỷ USD bị cuốn trôi, 30 triệu người mất việc, 50 triệu người quay lại chuẩn dưới nghèo là cái giá phải trả cho cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008.

15/9/2008, Lisa Roitman, Renee Spero và Jayson Berkshire - những "banker" hàng đầu của nước Mỹ đã chào ngày mới bằng một sự kiện khác biệt: Công ty của họ - Lehman Brothers tuyên bố phá sản.

Lisa Roitaman rời HSBC năm 2007 để đầu quân cho Lehman Brothers làm giám đốc một chi nhánh. Jayson Berkshire có 10 năm làm trợ lý giám đốc điều hành và dành hơn 50 giờ mỗi tuần cho công việc. Renee Spero được Lehman Brothers nhận vào ngân hàng từ năm 2004 và bỏ toàn bộ 200.000 USD tiền hoa hồng nhận được để mua cổ phiếu ngân hàng. 

Tuy nhiên cả ba đã trắng tay. Và họ chỉ là ba trong số hơn 20.000 nhân viên Lehman Brothers trên toàn thế giới mất việc khi ngân hàng này phá sản sau khi Chính phủ Mỹ từ chối việc bơm vốn cứu trợ.

Nhìn lại khủng hoảng kinh tế 2008: 10.000 tỷ USD bị cuốn trôi, 30 triệu người mất việc - Ảnh 1

Đây không phải tín hiệu đầu tiên báo trước cuộc khủng hoảng kinh tế được đánh giá là "tồi tệ nhất nhất trong lịch sử", nhưng là cột mốc cho sự sụp đổ của ngành công nghiệp tài chính của Mỹ - nguyên nhân chính đẩy kinh tế thế giới vào một giai đoạn đen tối.

Lehman Brothers - ngân hàng đầu tư thành lập năm 1844 - là một trong năm định chế tài chính cho vay lớn nhất nước Mỹ khi đó.

Tuy nhiên, Lehman Brothers cũng chỉ là một trong những quân cờ Domino bị sụp đổ trong một phản ứng dây chuyền đầu năm 2008.

Trước khi ngân hàng 160 năm tuổi này tuyên bố phá sản, ngày 16/3/2008, Bear Stearns - một trong năm ngân hàng đầu tư lớn nhất phố Wall - cũng phải cầu cứu và được JPMorgan Chase mua lại với khoản hỗ trợ 30 tỷ USD từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Chính phủ Mỹ thông qua khoản cứu trợ 200 tỷ USD cùng thời gian đó để cứu Freddie Mac và Fannie Mae - hai nhà cho vay thế chấp lớn nhất nước Mỹ, không bị phá sản và cứu AIG - một trong ba công ty bảo hiểm lớn nhất bằng việc tung ra 85 tỷ USD để mua 80% cổ phần. 

Những gói cứu trợ hàng trăm tỷ USD được đưa ra sau đó như một nỗ lực để giảm bớt ảnh hưởng của đợt khủng hoảng.

Tất cả những diễn biến này xuất phát từ một công cụ tài chính phái sinh với tên gọi CDO (Collateralized Debt Obligation) - Nợ thế chấp, được phát triển. Từ công cụ này, "bong bóng" bất động sản và các khoản vay dưới chuẩn đã bùng nổ, không thể kiểm soát chỉ trong bốn năm, từ 2002 - 2006.

"Bong bóng"

Trước đây, khi một người cần khoản tiền để mua nhà, quan hệ tài chính sẽ được hình thành giữa người đi vay và người cho vay - chỉ duy nhất hai chủ thể này. Tuy nhiên với sự xuất hiện của CDO, sẽ có thêm những cái tên khác xuất hiện. 

Những khoản nợ vay thế chấp sẽ được bên cho vay bán lại cho các ngân hàng đầu tư. Các ngân hàng này đưa những khoản nợ gộp lại thành các CDO và bán ra thị trường.

Người mua CDO sẽ là người cuối cùng hưởng khoản thanh toán từ người vay thế chấp ban đầu. Các công ty bảo hiểm tham gia với vai trò bảo đảm rủi ro, sau khi các CDO này được các tổ chức đánh giá tín nhiệm xếp hạng. 

Nói cách khác, tất cả thành phần trong ngành công nghiệp tài chính đều có thể tham gia vào "chuỗi thức ăn chứng khoán" được định giá hàng nghìn tỷ USD này. Tuy nhiên, đó cũng là lúc những lỗ hổng xuất hiện. 

Khi các ngân hàng cho vay thế chấp bất động sản không còn quan tâm tới khả năng chi trả của khách hàng, những khoản vay trở nên rủi ro với tiêu chuẩn dễ dãi hơn. Các ngân hàng đầu tư, thay vì dành lợi nhuận để dự phòng rủi ro, lại chi ra hàng tỷ USD để thưởng cho ban lãnh đạo, những thành viên tham gia vì khoản lợi nhuận ngắn hạn đột biến.

Các công ty xếp hạng tín nhiệm cho những CDO đánh đồng các khoản vay thế chấp khác nhau, đa phần xếp ở mức AAA - ngang mức độ tín nhiệm của trái phiếu chính phủ Mỹ. Còn các công ty bảo hiểm tin tưởng những công cụ tài chính mới "không thể bị vỡ nợ". 

Khi không còn ai quan tâm đến chất lượng khoản vay, dư nợ cho vay thế chấp bất động sản của Mỹ đã tăng với tốc độ chóng mặt. Từ 160 tỷ USD của năm 2001, dư nợ thế chấp tăng lên 540 tỷ vào năm 2004 và bùng nổ lên 1.300 tỷ USD vào năm 2007. Ước tính đến cuối quý III/2008, hơn một nửa giá trị thị trường nhà đất Mỹ là tiền đi vay, với 1/3 các khoản này là nợ khó đòi. 

"Họ biết điều gì đang xảy ra", Robert Gnaizda, đồng sáng lập và là giám đốc điều hành Viện Greenlining (California) nói. 

Nhìn lại khủng hoảng kinh tế 2008: 10.000 tỷ USD bị cuốn trôi, 30 triệu người mất việc - Ảnh 2

Tháng 12/2010, chiếc biển Lehman Brothers được mua với giá 42.050 bảng trong một phiên đấu giá các tài sản tại Christie’s - đây cũng là những gì còn lại của ngân hàng thành lập năm 1844 sau cuộc khủng hoảng năm 2008.

Năm 2005, Raghuram Rajan, khi đó là Kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã có một bài luận tại Hội nghị thường niên ngành ngân hàng của Mỹ với tựa đề "Có phải sự phát triển của ngành tài chính khiến thế giới rủi ro hơn". Bài luận phân tích về những lỗ hổng của CDO và cách thức hoạt động của ngành công nghiệp tài chính. Và câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên là Có.

Một năm sau đó, những bánh răng đầu tiên trong cỗ máy bắt đầu trục trặc. Tỷ lệ cho vay trên giá trị căn nhà lên tới 99% khiến người mua nhà sẵn sàng bỏ lại tài sản khi không còn khả năng thanh toán. Số lượng bất động sản nhà ở bị thu hồi để siết nợ tăng lên con số hàng triệu, thị trường đóng băng, giá trị những căn nhà bốc hơi từng ngày.

Khi những người cuối cùng của "chuỗi thức ăn chứng khoán" không còn nhận được lợi tức từ những CDO, sự sụp đổ dây chuyền đã diễn ra.

Các công ty bảo hiểm không đủ khả năng chi trả những CDO bị mất khả năng thanh toán, ngân hàng đầu tư bị nghi đã bán những sản phẩm tài chính "ở mức rác" cho khách hàng mà không cảnh báo trước những rủi ro, những công ty xếp hạng tín nhiệm được cho đã thông đồng để đưa xếp hạng tín nhiệm quá cao so với thực tế.

Công bố lợi nhuận và doanh thu kỷ lục vào cuối quý I/2017 nhưng đến quý I/2018, Lehman Brothers lỗ tổng cộng 2,8 tỷ USD. Ngay trước thời điểm phá sản, khoản lỗ tăng lên gần 4 tỷ USD.

Sau khi thương lượng bất thành với Barclays và Bank of America về phương án giải cứu, ngân hàng này chỉ còn 1 tỷ USD tiền mặt và 15/9/2008 tuyên bố phá sản. Cổ phiếu Lehman Brothers gần như không còn giá trị.

Sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư lâu đời của Mỹ mở đầu cho đợt bán tháo lớn nhất trong lịch sử. Tại sàn giao dịch chứng khoán London, bắt đầu phiên giao dịch ngày 15/9, chỉ số FTSE giảm 56,5 điểm cơ bản. Ngày 16/9, thị trường chứng khoán tại Hong Kong mở cửa với mức sụt giảm 5,4%, thị trường Thượng Hải cũng giảm 4,5%. 

Sự đình trệ của dòng chảy vốn, "bong bóng" bất động sản vỡ khiến kinh tế thế giới bị tổn thương nghiêm trọng. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ lên mức 10%, cao nhất kể từ Đại suy thoái. Ước tính có khoảng 30 triệu người đã mất việc do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng, 50 triệu người quay lại ngưỡng dưới nghèo với ước tính thiệt hại khoảng 10.000 tỷ USD.

"Nếu bạn nhìn vào cái giá phải trả thì đây thực sự là cuộc khủng hoảng cực kỳ, cực kỳ đắt tiền", Nouriel Roubini, Chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng cố vấn kinh tế (1998 - 2000).

Nhìn lại khủng hoảng kinh tế 2008: 10.000 tỷ USD bị cuốn trôi, 30 triệu người mất việc - Ảnh 3

Nguy cơ hiện hữu cho một cuộc khủng hoảng mới

Sự sụp đổ của một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất nước Mỹ đã dạy cho nhà đầu tư và người tiêu dùng bài học về kiểm soát vay nợ, cũng như những rủi ro từ việc nới lỏng kiểm soát ngành công nghiệp tài chính. Nhưng bài học của Lehman Brothers còn đó không có nghĩa là khả năng lặp lại sai lầm không thể xảy ra.

Theo khảo sát của Bloomberg, thế giới vẫn đang tiếp tục vay nợ với khối lượng ngày càng tăng.

Tổng nợ toàn cầu ở ngưỡng 84.000 tỷ USD những năm đầu thế kỷ 21, đã tăng lên 173.000 tỷ USD vào thời điểm khủng hoảng tài chính năm 2008 bùng nổ, và tiếp tục lên 250.000 tỷ USD đến thời điểm hiện tại. Trong đó khối lượng nợ xấu đã chạm gần mốc 3.000 tỷ USD.

Để thoát khỏi thảm cảnh của cuộc khủng hoảng năm 2008, các ngân hàng trung ương phải tung ra loạt chính sách kích thích tiền tệ khổng lồ và phi truyền thống, trong khi chính phủ các nước hoặc nới lỏng chính sách tài khóa hoặc thực hiện chủ trương “thắt lưng buộc bụng”.

Hạ lãi suất xuống mức 0%, đưa ra thị trường những gói nới lỏng định lượng (QE) với quy mô hàng trăm tỷ USD và hệ quả là bảng cân đối tài chính của các ngân hàng trung ương đã phình to lên mức chưa từng thấy. Số lượng trái phiếu lãi suất cao được phát hành bởi các doanh nghiệp đến từ châu Âu và Mỹ cũng tăng gấp nhiều lần so với thời điểm Lehman Brothers phá sản.

Điểm tích cực của điều này, tất nhiên là "nhiệm vụ giải cứu" thế giới gần như đã hoàn thành. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống, tăng trưởng GDP trở lại, dòng vốn luân chuyển và thị trường chứng khoán toàn cầu thậm chí đã vượt qua cả mức trước khủng hoảng.

"Tuy nhiên, nếu đào sâu hơn, con đường mà thế giới đang đi lại được lát bằng 'gạch' nợ nần, và đó lại là đường một chiều", Bloomberg nhận xét. 

Ngoài vấn đề mang tính vĩ mô, một vấn đề khác là việc kiểm soát hoạt động của ngành công nghiệp tài chính vẫn là bài toán chưa có lời giải thỏa đáng. 

Bản thân những ngân hàng đầu tư, những định chế tài chính trong "chuỗi thức ăn chứng khoán" từ trước khủng hoảng đã nhận thấy những rủi ro ngày càng tăng.

Và cũng chính những ngân hàng đầu tư, những người bán CDO cho khách hàng lại đi đặt cược vào khả năng mất thanh khoản từ chính những CDO này. Chính họ đã thiết kế ra những công cụ tài chính mà khi khách hàng của họ mất tiền, họ nhận được số tiền tương đương.

Trong số tiền 85 tỷ USD mà AIG - một trong ba công ty bảo hiểm lớn nhất của Mỹ - nhận được để chi trả cho các khoản bảo hiểm vào năm 2008, một phần lớn số đó rơi vào túi của những ngân hàng đầu tư. Những ngân hàng này đã đánh cược vào khả năng AIG vỡ nợ, dù công ty này bảo hiểm cho chính những CDO mà họ bán ra thị trường.

Năm 2010, bộ phim tài liệu Inside Job do Charles Ferguson đạo diễn được công chiếu. Một trong những câu hỏi được nhà nghiên cứu này đưa ra ở phần cuối là ngành công nghiệp tài chính Mỹ đã có sự thay đổi như thế nào sau bài học từ cuộc khủng hoảng năm 2008. Câu trả lời là không có sự thay đổi đáng kể.

Diễn giải những thay đổi của ngành tài chính từ những năm 80 của thế kỷ trước, Ferguson cho rằng nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng năm 2008 là do những chính sách kiểm soát hoạt động của ngành này bị loại bỏ, sự lỏng lẻo trong hoạt động được hẫu thuẫn bởi những "ông trùm" của Phố Wall khiến những ngân hàng chấp nhận đánh đổi rủi ro lấy lợi nhuận. Ông gọi ngành công nghiệp tài chính là "ngành công nghiệp không kiểm soát".

"Ngân hàng kiếm được rất nhiều lợi nhuận từ những hoạt động rủi ro và điều đó dẫn đến một cuộc chiến khổng lồ chống lại sự kiểm soát", Satyajit Das, tác giả của cuốn sách Traders, Guns and Money nhận xét.

Thế giới rõ ràng đã nhận được những bài học đắt giá từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, chu kỳ 10 năm một cuộc khủng hoảng cũng khó có thể tài diễn ở hiện tại. Tuy nhiên, với yếu tố không chắc chắn kể trên, nguy cơ của một cuộc khủng hoảng tương lai vẫn hiện hữu, và chắc chắn một khi đã xảy ra, quy mô chỉ có thể lớn hơn chứ không giảm đi.

Tin Cùng Chuyên Mục