Chia sẻ tại tọa đàm về sự vươn lên của thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm 2020, ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán, thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết nếu nhìn vào các chỉ số hiện tại có thể thấy thị trường chứng khoán hiện tại tốt hơn so với cuối năm 2019, nhưng thực tế thị trường vẫn còn một số khó khăn.
Cụ thể, tổng lượng huy động vốn trái phiếu phát hành ra công chúng từ đầu năm mới đạt 98% so với cùng kỳ, giá trị phát hành bằng cổ phiếu đạt 99%. Đặc biệt, vốn huy động thực sự cho doanh nghiệp mới chỉ bằng 61% so với cùng kỳ 2019.
Huy động vốn từ chứng khoán giảm mạnh
Theo ông Hải, rất nhiều doanh nghiệp có chủ trương chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, phát hành trái phiếu ra nước ngoài đều không thể thực hiện được trong năm 2020.
Lượng rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài từ đầu năm chỉ khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng, không lớn so với quy mô thị trường hiện tại, nhưng dòng vốn ngoại mới vào Việt Nam lại giảm mạnh.
“Các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư thì phải sang Việt Nam để thẩm định, đàm phán. Do dịch Covid-19 nên họ không thể sang thẩm định hay đầu tư. Vì vậy, một số đợt phát hành trái phiếu nước ngoài phải hoãn, nhiều thương vụ bán vốn lớn buộc phải dừng”, ông Hải chia sẻ.
Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ Quản lý chào bán chứng khoán cho rằng nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá cao thị trường Việt Nam dựa vào số dư đầu tư của khối ngoại.
Theo đó, tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài trên tổng vốn thị trường chứng khoán Việt Nam hiện ở mức cao so với các nước khác. Trong nhóm ASEAN, tỷ lệ này tại Việt Nam chỉ xếp sau Singapore và ngang bằng Malaysia.
“Năm 2020, câu chuyện nhà đầu tư rút vốn khỏi các thị trường mới nổi xảy ra nghiêm trọng tại nhiều quốc gia, nhưng tại Việt Nam, hiện tượng này gần như không xảy ra. Vì vậy, thế giới đang đánh giá rất cao Việt Nam và vẫn để Việt Nam trong danh sách chờ nâng hạng thị trường”, ông Hải nhấn mạnh.
Giao dịch chứng khoán 7.000 - 10.000 tỷ mỗi ngày
Cũng tại tọa đàm, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch hội đồng quản trị VSD, đánh giá dù chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, thị trường chứng khoán trong nước lại ghi nhận sự đột biến về thanh khoản.
Những năm trước, mức thanh khoản 7.000-10.000 tỷ đồng/ngày hiếm khi xảy ra, kể cả thời điểm thị trường tăng tốt nhất về mặt chỉ số. Tuy nhiên, đây lại là mốc giao dịch thường xuyên diễn ra hiện nay.
Theo vị lãnh đạo VSD, ngoài những dấu hiệu tích cực về thanh khoản và chỉ số, thị trường chứng khoán trong nước vẫn còn một số khó khăn như chỉ báo huy động vốn của doanh nghiệp năm 2020 thấp hơn nhiều cùng kỳ.
Hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước gần như không thực hiện được từ đầu năm với nhiều cuộc đấu giá lớn phải hủy.
Ông Sơn cho biết thêm trong khi chỉ số thị trường tăng trưởng trở lại thì nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là khối sản xuất và bất động sản vẫn còn khó khăn.
Cùng quan điểm, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phòng phát triển năng lực đầu tư Chứng khoán VPS, cho biết từ đầu năm, diễn biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam là ngoại bán nội mua. Trong đó, thanh khoản thị trường đã tăng 35-40% so với năm 2019.
Bên cạnh thị trường cơ sở, thị trường chứng khoán phái sinh cũng ghi nhận sự tăng trưởng về số hợp đồng giao dịch mỗi ngày.
Tại thời điểm thị trường phái sinh ra đời (8/2017), trung bình mỗi ngày có khoảng 340 hợp đồng giao dịch. Đến nay số lượng giao dịch mỗi phiên đã đạt 100.000-300.000 hợp đồng.
Tuy nhiên, so với mức bình quân của các thị trường trong khu vực như 14 triệu hợp đồng/ngày tại Thái Lan, ông Khánh cho rằng thị trường chứng khoán Việt vẫn còn dư địa để tăng thanh khoản.
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường cũng cho biết điểm thành công nhất của thị trường chứng khoán từ đầu năm không phải sự hồi phục về chỉ số mà là nội lực mạnh mẽ của nhà đầu tư trong nước.
Những năm trước đó, thị trường trong nước thường phụ thuộc nhiều vào dòng vốn ngoại những như diễn biến của nước ngoài. Tuy nhiên, năm nay thị trường chứng khoán Việt có những biến động mang tính chất nội tại, không bị phụ thuộc vào khối ngoại cũng như dòng vốn nước ngoài.
“Chứng khoán trong nước đã lấy lại được những gì đã mất. Hiện chỉ số gần như bằng với cuối năm 2019, vốn hóa thị trường từ chỗ giảm sâu so với GDP 2019 đến nay chỉ còn giảm khoảng 1,8%, tương đương 73% GDP năm gần nhất”, bà Bình thông tin.
Vị Vụ trưởng nhấn mạnh quan điểm chung của cơ quan quản lý là tôn trọng tối đa sự vận hành của thị trường, hạn chế can thiệp hành chính và quản lý mang tính bền vững. Hiện tại, Bộ Tài chính và Uỷ ban chứng khoán đang hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để áp dụng Luật Chứng khoán từ năm 2021.
Link bài gốc