Ngày pháp luật

Nhiều chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập cảnh

Theo Bộ Tư pháp

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vừa được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 5 có nhiều nội dung đáng chú ý như nâng thời hạn cấp visa điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, bổ sung thông tin về nơi sinh trong hộ chiếu…

Đây đều là những chính sách quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và người Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài.

Nâng thời hạn của thị thực điện tử lên không quá 3 tháng

Theo đó, dự thảo Luật quy định nâng thời hạn của thị thực (visa) điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, thị thực có giá trị một lần trở thành có giá trị một hay nhiều lần, mở rộng đối tượng được cấp thị thực điện tử, nâng thời hạn tạm trú đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực điện tử.

Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá, đây thực sự đây đều là các chính sách cần thiết, phù hợp với yêu cầu mở rộng cơ hội phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế; đồng thời đưa ra những phân tích, so sánh với các nước ASEAN về những quy định này đã tiếp cận tiêu chuẩn của các nước ASEAN để đảm bảo cho chúng ta có sự cạnh tranh.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị mở rộng diện đơn phương miễn thị thực.  
Đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị mở rộng diện đơn phương miễn thị thực.  

Tuy nhiên, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội ) đề nghị, nâng thời hạn cấp giấy chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 đến 60 ngày để đảm bảo mức tiên tiến trong ASEAN, vì nếu nâng lên 45 ngày mới là mức bình quân trong khu vực mà mục tiêu bình quân trong khu vực không còn là tiêu chuẩn của chúng ta. Tiêu chuẩn của chúng ta là vươn tới mức hàng đầu, nhóm 3, nhóm 4 trong ASEAN trong mọi lĩnh vực chứ không riêng gì trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.

Về việc Việt Nam đơn phương miễn thị thực có thời hạn cho công dân hiện nay là 25 nước, thấp hơn so với nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực, ĐB Lộc đề nghị nên quyết định mở rộng diện đơn phương miễn thị thực trong đợt này, cùng với việc mở rộng danh sách chúng ta cho áp dụng thị thực điện tử.

Nhận thấy con số 25 nước mà Việt Nam đang miễn thị thực đơn phương là khá khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực, ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp) cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm nghiên cứu, xem xét mở rộng danh sách công dân các nước được đơn phương miễn thị thực để tạo điều kiện thúc đẩy du lịch mà vẫn đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

ĐB còn đề nghị xem xét bổ sung loại thị thực đa mục đích, nhất là đối với thị thực cho khách nước ngoài vào dự hội nghị, hội thảo và thị thực cho người nước ngoài vào thăm, làm việc với các cơ quan, bộ, ngành, tổ chức và địa phương. Theo ĐB Hải Anh, việc bổ sung quy định thị thực đa mục đích kết hợp làm việc, dự hội nghị, hội thảo và du lịch là cần thiết, giảm thiểu thủ tục cho du khách và góp phần kích cầu du lịch.

Người dân làm thủ tục cấp visa. (nguồn: Internet)  
Người dân làm thủ tục cấp visa. (nguồn: Internet)  

Bổ sung thông tin nơi sinh vào hộ chiếu

Về việc có thêm thông tin vào hộ chiếu, ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (Đoàn Cần Thơ) phân tích, trong Luật hiện hành không có quy định thông tin về nơi sinh trong hộ chiếu, điều này đã dẫn đến sự phản ứng từ phía nước ngoài từ chối cấp thị thực và hộ chiếu mẫu mới, gây khó khăn cho công dân ta khi xuất, nhập cảnh và tạo dư luận không tốt. Ngày 15/11/2022 tại Kỳ họp thứ 4, QH khóa XV đã ban hành Nghị quyết 76, theo đó đồng ý bổ sung thông tin nơi sinh vào hộ chiếu cấp cho công nhân Việt Nam. ĐB Phương nhấn mạnh, đây là dịp chúng ta nên bổ sung vào Luật để thuận tiện trong công tác cấp hộ chiếu, xin thị thực của các nước.

Phát biểu tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thể chế hóa chủ trương phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Chính phủ số, đứng trong số 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử kinh tế số.

Đồng thời, việc xây dựng Luật còn đáp ứng yêu cầu của QH tại Nghị quyết số 76/2022 để bổ sung thông tin nơi sinh vào hộ chiếu và khắc phục những khó khăn, vướng mắc khi thi hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân năm 2019 và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2019.

Trên thực tế, mục đích của việc sửa đổi Luật này là tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và người Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Hồ sơ dự án Luật được xây dựng theo quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, các địa phương và đã được Chính phủ thống nhất thông qua.

Bộ trưởng khẳng định, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan của QH hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình QH thông qua vào ngày 24/6 tới đây.

Liên quan đến phí cấp thị thực, ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm một điều khoản quy định về Cổng thông tin điện tử chính thức của Chính phủ cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến quy trình, thủ tục, lệ phí của Việt Nam về thị thực, bao gồm miễn thị thực, thị thực điện tử, thị thực nhập cảnh, thị thực xin tại các đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài và tại Việt Nam vào nội dung dự thảo Luật sửa đổi lần này, để khi Luật có hiệu lực đi vào cuộc sống thực hiện có hiệu quả và thống nhất.

Tin Cùng Chuyên Mục