Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến ngày 20/10, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 23,48 tỷ USD, bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Vốn thực hiện không có sự chênh lệch nhiều so với cùng kỳ năm trước khi đạt 15,8 tỷ USD, tương đương 97,5%, cho thấy xu hướng giảm vốn giải ngân kéo dài suốt nhiều năm.
Lĩnh vực chế biến chế tạo vẫn dẫn đầu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với 10,7 tỷ USD, chiếm gần một nửa tổng vốn. Năm nay, lĩnh vực sản xuất và phân phối điện lần đầu tiên góp mặt trong top 4 ngành thu hút nhiều FDI nhất với 4,8 tỷ USD, chiếm hơn 20% tổng vốn, đẩy lĩnh vực bất động sản xuống vị trí thứ ba.
Singapore quay trở lại dẫn đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam (sau nhiều năm đứng ở vị trí thứ ba) với 7,51 tỷ USD trong 10 tháng, chiếm 31,9% tổng vốn. Trong đó, dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu do Delta Offshore Energy (Singapore) đầu tư chiếm 4 tỷ USD.
Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,42 tỷ USD, Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,17 tỷ USD. Tiếp theo là Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan… Năm nay, Hong Kong tụt khỏi danh sách đầu tư lớn nhất khi thiếu vắng các dự án mua bán, sáp nhập dự án lớn vài năm trước.
Dự án điện khí hóa 4 tỷ USD do Singapore cũng giúp Bạc Liêu dẫn đầu thu hút vốn trong 10 tháng chỉ với một hạng mục. TP HCM đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký đạt 3,4 tỷ USD, chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư. Hà Nội đứng thứ ba với 3,13 tỷ USD, chiếm 13,3% tổng vốn đầu tư.
Nếu xét theo số lượng dự án mới, TP.HCM dẫn đầu với 776 dự án, Hà Nội đứng thứ hai với 438 dự án, vị trí thứ ba là Bắc Ninh với 125 dự án.