Trong báo cáo "Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam" của Ngân hàng Thế giới (WB) mới công bố cho biết, do ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 lần 2, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm mạnh xuống còn khoảng 720 triệu USD so với 3,1 tỷ USD một tháng trước đó. Như vậy, số vốn đầu tư FDI đã giảm 2,3 tỷ USD so với tháng trước.
Nếu tính tổng vốn FDI trong 8 tháng đầu năm, con số này đạt mức 19,5 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2019.
Tổ chức này nhận định, sự sụt giảm này có thể phản ánh sự bất ổn ngày càng tăng liên quan đến đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 ở Đà Nẵng, với việc các nhà đầu tư nước ngoài tạm dừng để đánh giá tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế.
WB khuyến nghị, tương lai, Việt Nam cần quan tâm hơn đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước do họ có thể trì hoãn kế hoạch đầu tư. Bên cạnh đó, các chính sách ứng phó cũng cần kích thích khả năng phục hồi trong ngắn hạn và duy trì sự bền vững về tài khóa, nợ vay trong dài hạn.
Theo WB, tốc độ phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào mức độ phục hồi nhu cầu nội địa sau đợt bùng phát dịch Covid-19 ở Đà Nẵng. Trong tháng 8, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm hơn những tháng gần đây và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Cụ thể, trong tháng 8, chỉ số sản xuất công nghiệp (NSA) tăng 2,1%, tăng nhẹ hơn so với 4% trong tháng 7. Doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (SA) cũng giảm từ 5,2% trong tháng 7 xuống còn âm 2,3%. WB nhấn mạnh, các khu vực sản xuất và bán lẻ đều ghi nhận mức tăng trưởng chậm đáng kể so với năm ngoái.
Theo WB, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại hàng hóa ở mức 3,5 tỷ USD, đưa tổng thặng dư 8 tháng đầu năm 2020 đạt 11,9 tỷ USD.
Báo cáo của WB còn chỉ ra, lạm phát tiếp tục giảm trong tháng 8, ở mức 3,2%, giảm nhẹ so với những tháng gần đây do giá lương thực ổn định.