Vốn mới đổ bộ
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Katsuhiko Usui - Tổng giám đốc Sapporo Việt Nam cho biết, Nhật Bản là một trong những nước có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam.
Đặc biệt, gần đây chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đã đầu tư ở nước ngoài chuyển hướng đầu tư sang các nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là một trong những điểm đến quan trọng.
Phát biểu này của ông Katsuhiko Usui dường như là chính xác khi mà ghi nhận của phóng viên Nhadautu.vn cho thấy vốn Nhật đang chảy mạnh vào các tỉnh phía Nam trong những tháng qua.
Cụ thể, giữa tháng 8 vừa qua, Công ty Hanacans (HAC) một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Showa Denko đến từ Nhật Bản đã đưa vào hoạt động nhà máy mới tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Hùng Tiến, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhà máy này hoạt động trên lĩnh vực sản xuất vỏ lon nhôm theo công nghệ sản xuất tiên tiến của Nhật Bản, công suất thiết kế khoảng 1,3 tỷ lon/năm.
Đại diện HAC cho biết với việc đưa nhà máy sản xuất vỏ lon tại Bà Rịa - Vũng Tàu vào hoạt động, HAC đã hoàn thành việc thiết lập hệ thống sản xuất phủ khắp Việt Nam với công suất thiết kế khoảng 3,3 tỷ lon/năm.
Trước đó, HCA đã có nhà máy sản xuất tại Quảng Nam cùng nghành nghề trên với dây chuyền có công suất thiết kế 700 triệu vỏ lon/năm và nhà máy tại Bắc Ninh có tổng công suất hơn 1 tỷ lon/năm.
Hay như tháng 4, dự án sản xuất bộ dây điện dùng cho ô tô của Furukawa Adutomotive Systems đến từ Nhật Bản vào Vĩnh Long với số vốn đầu tư lên tới 48,8 triệu USD.
Còn tại Khu chế xuất Tân Thuận TP HCM, công ty đến từ Nhật Bản là Nikkiso Việt Nam mới đây đã quyết định tăng vốn đầu tư thêm 3 triệu USD để mở rộng sản xuất.
Với vốn đầu tư mới này, năng lực sản xuất của nhà máy sẽ tăng lên 24 triệu sản phẩm/năm, tương đương 7.200 tấn/năm. Được biết, Nikkiso Việt Nam đầu tư vào Việt Nam từ năm 1996, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế.
Ngoài ra, theo báo cáo của UBND TP HCM, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn TP HCM có 533 dự án FDI đăng ký mới với tổng vốn chỉ gần 300 triệu USD; 93 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn gần 200 triệu USD; hơn 2.200 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng số tiền 1.524 triệu USD.
Như vậy, tổng vốn FDI đổ vào TP HCM 6 tháng qua là khoảng 2 tỷ USD. Và Nhật Bản là 1 trong số 5 quốc gia có vốn đầu tư mới và TP HCM nhiều nhất.
Doanh nghiệp lựa chọn mở rộng sản xuất
Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) vừa công bố kế quả khảo sát được thực hiện cuối năm 2019 với các doanh nghiệp Nhật Bản đang và có quan tâm đầu tư sản xuất tại Việt Nam cho thấy có khoảng 1.400 doanh nghiệp, tương đương 41% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết, họ quan tâm và đang xem xét mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong 3 năm tới, tăng 5,5 điểm phần trăm so với năm trước.
Ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Văn phòng Jetro tại TP HCM cho biết, trước đây hầu hết các công ty sản xuất của Nhật Bản coi Việt Nam là nơi sản xuất với lực lượng lao động trẻ và lành nghề.
Nhưng gần đây, ngày càng nhiều công ty Nhật Bản, dù sản xuất hay hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đều coi Viêt Nam là thị trường có mức tiêu thụ ngày càng tăng. Họ kỳ vọng rằng, hoạt động kinh doanh của họ sẽ phát triển cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Ngoài ra, ông Hirai Shinji cũng cho biết, từ năm 2018 tới nay, ngày càng nhiều công ty Nhật Bản thu hẹp hoạt động tại Trung Quốc và mở rộng kinh doanh sang Đông Nam Á.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 tới nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động đầu tư của các công ty Nhật Bản tại Đông Nam Á đã gảm mạnh và Việt Nam cũng nằm trong ảnh hưởng này.
“Tuy nhiên, dù việc mở rộng đầu tư vào Việt Nam có giảm nhưng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp đã đầu tư trước đó vào Việt Nam lại tăng và nhiều doanh nghiệp bắt đầu tìm hiểu thị trường để mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Đây là minh chứng cho thấy, các công ty Nhật Bản tin tưởng vào sự phát triển kinh tế Việt Nam trong tương lai”, ông Hirai Shinji cho biết.
Link bài gốc