Ngày pháp luật

Người Việt có nhà ở Mỹ, Australia, Canada... không ít, theo NAR là 3 tỉ USD/năm

Theo Tuổi trẻ

Dù chưa có trường hợp nào được cấp phép chính thức để chuyển tiền đầu tư, mua nhà ở nước ngoài, nhưng trên thực tế số người VN sở hữu nhà ở Mỹ, Australia, Canada... không ít, theo NAR là 3 tỉ USD/năm...

Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà môi giới địa ốc Mỹ (NAR) đưa ra năm 2017, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia mua nhà ở Mỹ nhiều nhất với khoảng 3 tỉ USD/năm. Dù con số này gây nhiều tranh cãi, thậm chí có cơ quan chức năng cho rằng "chưa đủ cơ sở" nhưng cũng cho thấy hoạt động này khá sôi động.

Đâu cần giấy phép, vẫn mua được nhà

Gõ cụm từ "mua nhà ở Mỹ", "mua nhà ở Úc" sẽ hiện ra hàng loạt trang web, Facebook rao bán nhà ở Mỹ với đầy đủ hình ảnh, clip về vị trí, hình thức ngôi nhà đang rao bán ở nước ngoài, kèm theo đó là so sánh với bất động sản có giá trị tương đương ở Việt Nam. Những đơn vị làm dịch vụ này còn nhận "tư vấn" hình thức chuyển tiền cũng như thủ tục để làm sao một người Việt Nam vẫn có thể mua nhà ở Mỹ.

Đó là chưa kể đến nhiều người mua nhà theo dạng nhờ người quen, "người đi trước dẫn người đi sau" và đều chuyển tiền trót lọt dù chưa có trường hợp nào được cấp phép chính thức để chuyển tiền đầu tư, mua nhà ở nước ngoài.

Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia mua nhà ở Mỹ nhiều nhất với khoảng 3 tỉ USD/năm. 
Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia mua nhà ở Mỹ nhiều nhất với khoảng 3 tỉ USD/năm. 

Qua tìm hiểu của Tuổi Trẻ, theo nghị định 70/2014 của Chính phủ (quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh ngoại hối và pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh ngoại hối) hiện hành, công dân Việt Nam chỉ được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho các mục đích: học tập, chữa bệnh ở nước ngoài, đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài, trả các loại phí, lệ phí ở nước ngoài... và chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác.

Theo quy định tại thông tư 12/2016 (hướng dẫn về quản lý ngoại hối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài), cá nhân và tổ chức muốn chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài cần phải có giấy phép đầu tư ra nước ngoài của Bộ KH-ĐT cấp, sau đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ xác nhận tiến độ chuyển tiền ra nước ngoài và ngân hàng thương mại căn cứ theo đó thực hiện. 

Như vậy, quy định hiện nay không cấm cá nhân chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư, mua nhà nhưng trên thực tế để có thể chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư bằng kênh chính thức (ngân hàng), cá nhân phải vượt qua một "rừng" thủ tục. Lãnh đạo NHNN TP HCM cũng cho biết chưa có trường hợp nào được cấp phép chính thức để chuyển tiền theo diện trên.

Sẽ rối nếu ai cũng chuyển ngoại tệ ra nước ngoài

Hiện nay chưa có trường hợp cá nhân nào được cấp phép chính thức để chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư, mua nhà, mà ngay cả việc cho người nước ngoài vay nợ cũng không thể chuyển bằng con đường chính thức.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc NHNN TP HCM cho hay, gần đây có một cá nhân đến hỏi rằng bà muốn cho người thân ở nước ngoài vay tiền thì thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài thế nào. Nhưng NHNN TP HCM giải thích rằng hiện nay theo quy định, tổ chức muốn cho vay ra nước ngoài phải xin phép Thủ tướng, còn cá nhân thì chưa được phép.

Theo ông Minh, vừa qua nhiều người cũng thắc mắc về quy định này vì theo họ đó là tiền của cá nhân, vì sao lại hạn chế chuyển ra nước ngoài. Tuy nhiên trên thực tế, Việt Nam là nước đang phát triển và rất cần nguồn ngoại tệ để ưu tiên đầu tư phát triển trong nước, do vậy kiểm soát rất chặt việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài. 

Theo quy định trước đây, số ngoại tệ tối đa cá nhân khi xuất cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam mang theo mà không phải khai báo là 7.000 USD. Nhưng từ 1-9-2011, theo quy định của thông tư 15 do NHNN ban hành, số ngoại tệ tối đa cá nhân khi xuất cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam mang theo mà không phải khai báo giảm còn 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia ngân hàng (đề nghị không nêu tên) nhận định nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với toàn cầu nên cần phải tuân theo luật lệ và thông lệ của quốc tế.

"Việc kiểm soát cá nhân chuyển ngoại tệ ra nước ngoài có hàm ý ngăn chặn việc tẩu tán tài sản của các quan chức tham nhũng, chảy máu ngoại tệ và có hành vi rửa tiền.Do vậy nên điều chỉnh bởi Luật về phòng chống tham nhũng và quản lý chặt chẽ việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài qua ngân hàng, chứ không phải bằng Luật đầu tư ra nước ngoài" - vị chuyên gia khuyến cáo.

Chuyển tiền chui để đầu tư

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, do quy định chặt chẽ như trên nên hầu hết người có nhu cầu chuyển tiền để mua nhà, mua quốc tịch... đều theo con đường chuyển chui, vẫn qua kênh ngân hàng nhưng "núp bóng" dưới nhiều dạng khác nhau. Chẳng hạn dưới danh nghĩa thanh toán tiền xuất nhập khẩu hàng hóa, sau khi chuyển sang nước ngoài khoản này sẽ được tách ra đầu tư bất động sản, mua quốc tịch...

Có trường hợp lách dưới dạng tặng, cho như cá nhân A có nhu cầu chuyển tiền sẽ làm hợp đồng công chứng để cho, tặng cá nhân B (thường là Việt kiều, có tài khoản ở nước ngoài và có mở tài khoản tại một số ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam), sau đó cá nhân B nhận khoản tiền tặng, cho này nộp vào tài khoản và chuyển số tiền này qua tài khoản tại nước ngoài. Qua đến nước ngoài, cá nhân này lại rút ra và làm hợp đồng cho, tặng lại.

Một kênh chuyển tiền khác là thông qua các công ty vàng lớn với mức phí chuyển tiền dao động 0,8 - 1,2%. Như vậy, nếu chuyển 100.000 USD phí 800 - 1.200 USD. Thời gian chuyển tiền cũng khá nhanh, thường chỉ trong 24 giờ. Do vậy, dù hạn chế nhưng việc người Việt Nam có nhà tại nước ngoài đến nay không phải là hiếm.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục