Vị thiền sư biến nước biển thành nước ngọt
Thiền sư Luang Phor Thuad sinh năm 1582 trong một gia đình nghèo ở làng Suan Chan thuộc quận Chumphol Sathong Phra ở Song Kla (miền Nam Thái Lan). Khi Luang Phor Thuad 6 tháng tuổi, do neo người, mẹ ông ra đồng làm việc đã mang ông theo. Bà quấn con vào một tấm khăn tắm, đặt dưới một gốc cây lớn gần đó. Một ngày, vào buổi trưa, khi người mẹ lên cho con bú thì thấy cảnh tượng vô cùng kinh hãi: con trai bà bị một con trăn khồng lồ quấn quanh.
LTS: Thái Lan có 95% dân số theo Đạo Phật. Điều đó lý giải vì sao đất nước này có tới 2,7 vạn ngôi chùa. Nhiều ngôi chùa được đánh giá rất linh thiêng và đặc biệt ẩn chứa nhiều điều kỳ lạ.
Mẹ Luang Phor Thuad hoảng loạn chạy về làng kêu cứu. Hàng xóm vác dao, rìu ra đuổi con trăn, giải cứu đứa trẻ nhưng trằn tinh vẫn nằm im. Thấy con trăn không làm hại con mình, nghĩ là thần thánh, bà mẹ liền ngắt 7 bông hoa dại đủ màu, xếp vào một chiếc lá đặt trước mặt con trăn, rồi quỳ xuống, nhắm mắt cầu nguyện. Kỳ lạ thay, lúc sau, trên ngực đứa trẻ xuất hiện một quả cầu pha lê sáng rực và cây lớn nơi đứa trẻ nằm dưới gốc bất ngờ ra trái.
Để cầu lợi, một người đàn ông giàu có đòi mua quả cầu pha lê của Luang Phor Thuad. Từ chối nhiều lần cuối cùng người mẹ phải đồng ý. Tuy nhiên, 3 ngày sau khi mang vật báu về nhà, tất cả thành viên trong gia đình ông đều lâm bệnh. Người đàn ông kêu cầu một vị thần và được thần mách cho biết, ông đã giữ thứ không thuộc về mình. Sau đó, dù bị mất thêm lần nữa nhưng các vị thần đều mách bảo cho chủ nhân của quả cầu pha lê nơi tìm ra nó.
Quả cầu đã làm cho gia đình Luang Phor Thuad nhanh chóng trở nên giàu có và họ phân phát tài sản cho người nghèo. 5 tuổi, Luang Phor Thuad bắt đầu học đạo và trở thành sư ở tuổi 12 tuổi. Để tiếp tục nghiên cứu Phật pháp, từ chùa Pakok (Singora), sư Luang Phor Thuad đã vượt biển đến tỉnh Ayuthaya (cố đô Thái Lan) trên một chiếc thuyền buồm.
Con thuyền đi được nửa ngày thì gặp bão lớn, trôi dạt trên biển. Thức ăn và nước uống đều cạn kiệt. Các thủy thủ trên tàu cho rằng sự hiện diện của sư Luang Phor Thuad khiến họ gặp xui xẻo, bởi trước đó thuyền của họ đều đi lại thuận buồm xuôi gió nên họ quyết định ném nhà sư xuống biển.
Biết được âm mưu của các thuyền viên nhưng sư Luang Phor Thuad không nói gì. Ông lẳng lặng kéo dài chân, thò ra khỏi thuyền chặn cơn bão, rồi tiếp tục dùng chân vẽ một vòng tròn trên biển, bảo mọi người múc nước uống.
Các thuyền viên tức giận cho rằng sư Luang Phor Thuad lừa họ vì ai chẳng biết nước biển mặn chát làm sao uống. Sau nghe sư Luang Phor Thuad thuyết phục, họ cũng nếm thử và quả thật nước trong vòng tròn không hề mặn.
Thuyền đến Ayuthaya, sư Luang Phor Thuad từ biệt các thủy thủ rồi chậm rãi đi bộ vài dặm đến một ngôi đền uy nghi trước mặt. Không được các nhà sư ở đây chào đón nên ông đi tiếp đến một ngôi chùa cũ. Ở đây, ông được mọi người đề nghị ở lại.
Nửa năm sau, vua Sri Lanca gửi 7 tu sĩ mang theo 12 cái bát chứa 84.000 chữ cái và đưa ra yêu sách đối với nhà vua Thái Lan. Sri Lanca yêu cầu Thái Lan phải sắp xếp các từ kể trên thành một kinh nào đó trong vòng 1 tuần. Nếu làm được, vua Sri Lanca sẽ biếu Quốc vương Thái Lan 7 con thuyền bằng vàng. Nếu Thái Lan không làm được thì sẽ mất nước.
Trước tình thế nguy cấp, Quốc vương Thái Lan đã triệu tập các nhà sư tên tuổi ở các ngôi chùa lớn đến sắp kinh nhưng không ai làm được. Vào đêm thứ 4 sau khi nhận được lời thách đố, Quốc vương Thái Lan nằm mơ thấy một con voi trắng xuất hiện trong ánh sáng chói lòa. Một thầy bói cho biết, đó là dấu hiệu sẽ có một nhà hiền triết xuất hiện giải quyết được mối nguy nhưng vua vẫn không tin, cả ngày như ngồi trên đống lửa.
Ngày thứ 6, vào buổi sáng, sư Luang Phor Thuad rời ngôi đền đi khất thực. Ông được biết tin thách đố của Sri Lanca và đồng ý giúp. Sáng ngày thứ 7, sư Luang Phor Thuad mới đi vào kinh thành. Ông đi đến nơi 12 bát chữ đã được đổ trên bàn, nhắm mắt lại và dùng hai tay xoa lên đống chữ. Một lát sau, ông nói bộ chữ 84.000 từ đã bị thiếu mất 5 chữ. 7 tu sĩ Sri Lanca im lặng. Thấy vậy, sư Luang Phor Thuad cảnh báo, nếu ai đã lấy mà không trả lại 5 chữ cái thì sẽ chết. Thủ phạm vì sợ hãi nên đã trả lại những con chữ đã lấy.
Luang Phor Thuad nhắm chặt mắt tiếp tục xếp 84.000 từ thành bộ kinh. Sri Lanca bị thua nên phải dâng cho Quốc vương Thái Lan 7 chiếc thuyền bằng vàng. Sư Luang Phor Thuad trở nên nổi tiếng. Ông ở thủ đô vài năm rồi trở về quê hương khi mẹ lâm trọng bệnh và mất.
Ngày trước một vị chức sắc tại Pattani muốn xây dựng một ngôi chùa Phật giáo tại Pattani. Ông đến Singora để tìm một vị sư trụ trì. Sau nhiều ngày không tìm được ai thì một buổi tối, khi mặt trời đã lặn, ông thấy một vị sư già chậm rãi đi dọc bờ biển, để lại phía sau dấu vết của ánh sáng. Ông biết đã tìm được người thích hợp nên đãthỉnhsư Luang Phor Thuad về Pattani xây dựng chùa Chang Hai. Sư Luang Phor Thuad trụ trì ở đó cho đến khi ông qua đời ở tuổi 120.
Luang Phor Thuad được coi là một trong những nhà sư nổi tiếng nhất Thái Lan. Bức tượng khổng lồ lớn nhất của ông với chiều cao 12m, rộng 10m đã được xây dựng tại chùa Wat Huay Mongkol, nằm cách trung tâm quận Hua Hin khoảng 15 km về phía Tây.
Khấn nguyện để mong trúng số
Từ lâu, chùa Wat Chedi (thuộc tỉnh Nakhon Si Thammarat) được biết đến là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng và hút khách của địa phương. Nhân vật nổi tiếng linh thiêng nhất chùa chính là Ai Khai - một cậu bé 10 tuổi. Mọi người thường đổ xô đến trước tượng của Ai Khai để cầu xin may mắn, giàu có, trúng số, công việc làm ăn thuận lợi, phát đạt...
Chùa Wat Chedi từng bị bỏ hoang hơn 1.000 năm, mãi tới năm 1957 mới được cải tạo lại. 400 năm trước, thiền sư Luang Phor Thuad đến nơi đây đã tìm thấy nơi chùa hoang nhiều châu báu ở sảnh chính.
Vì vậy, ông đã sai đệ tử của mình là cậu bé Ai Khai 9 tuổi trông coi kho báu nơi hoang phế này. Cậu bé nghịch ngợm lại mò xuống ao chùa chơi rồi chết đuối. Người dân đồn đại cho rằng linh hồn cậu bé rất linh thiêng và cậu vẫn ở lại chùa để tiếp tục công việc của mình. Cho đến ngày nay, mọi người tin rằng linh hồn bất tử của cậu bé sẽ bảo vệ và giúp đỡ những người đến cầu khấn.
Giai thoại và những lời đồn về Ai Khai luôn đầy ăm ắp, kèm theo sự kính nể, tôn trọng của người dân trong vùng đã góp phần tạo nên vầng hào quang bí ẩn về nhân vật này.
Truyền thuyết kể rằng, có một người đàn ông đã không tin tưởng vào sức mạnh của Ai Khai và thường xuyên nói với mọi người rằng làm sao mà một đứa bé có thể giúp họ tích lũy của cãi, làm giàu được. Vì vậy, Ai Khai đã đến trong giấc mơ của người này và hỏi ông ta: “Tại sao ông lại không tin tưởng vào ta?”.
Người đàn ông đó trả lời: “Người làm cho tôi giàu có đi tôi sẽ tin”. Ai Khai bảo: “Nếu ta làm cho ông giàu có, đổi lại ta sẽ được gì?”. Người đàn ông quả quyết: “Tôi sẽ xây 1 ngôi đền hương khói cho người”.Một thời gian sau, người đàn ông này trở nên giàu có. Giữ đúng lời hứa, ông ta đã xây 1 ngôi đền cho Ai Khai ngày nay gọi là Wat Jaidee.
Theo thời gian, câu chuyện liên quan đến nhân vật Ai Khai bí ẩn ngày một nhiều hơn. Người dân trong vùng thường truyền tai nhau về câu chuyện, nếu ai đến chùa ngủ qua đêm mà không xin phép Ai Khai thì cả đêm sẽ bị mất ngủ. Vào ban đêm, khi đang mơ màng, họ sẽ bị đánh thức bởi một chú bé tầm 9-10 tuổi, đúng độ tuổi của Ai Khai. Họ sẽ bị đập vào đầu, hoặc kéo chân, tay...
Kỳ lạ hơn nữa là câu chuyện những người lính trang bị vũ khí tận răng vẫn bị Ai Khai “hành”. Câu chuyện bắt nguồn từ những năm 1980, khi một nhóm lính đặc nhiệm đến Nakhon Si Thammarat. Họ lập căn cứ trong ngôi đền cổ và có một đêm “khốn khổ” vì không hiểu lý do gì, tay và chân của họ bị kéo lên còn vũ khí bị lật tung.
Sáng hôm sau, những người lính kể chuyện với dân làng. Người dân nghĩ ngay đến Ai Khai linh thiêng và khuyên các binh lính nên mời Ai Khai trước mỗi bữa ăn. Những người lính làm theo, và kể từ đó, họ có thể ngủ ngon giấc trong chùa.
Vào năm 1983, Pho Than Thoem - người trụ trì Wat Chedi khi đó đã nghĩ ra cách kiếm tiền “siêu lợi nhuận”. Ông yêu cầu những người đến thăm viếng nơi đây nên phúng viếng tiền cho Ai Khai và đổi lấy những lời cầu nguyện. Hàng ngàn người đến mỗi ngày, từ khắp Thái Lan và Malaysia cũng như nhiều nơi xa hơn nữa.
Ngày nay, du khách còn cúng cả quần áo, kính mát, mũ... cho bức tượng của Ai Khai. Khi đến chùa, bạn có thể nhìn thấy bức tượng này với hình dáng của chú bé, mặc quần áo rằn ri của quân đội, mắt đeo kính đen, đầu đội mũ...
Ngày nay, người dân thường gọi Ai Khai là Ta Khai (một cách gọi tôn kính). Họ cho rằng Ai Khai chết trẻ, nhưng qua nghìn năm, tuổi tác của cậu bé cũng được tăng lên. Và vì thế, với những thế hệ sau, việc gọi là Ai Khai dường như không phù hợp. Vì vậy, khi du khách tới nơi này, bạn có thể nghe thấy có nhiều cách gọi tên của nhân vật nổi tiếng đó.
Ngôi chùa linh thiêng thành nghĩa địa gà
Theo tín ngưỡng của người Thái, nếu một người dân mong muốn một điều gì đó tâm linh đổi lại họ phải dâng một món quà. Trước đây, mọi người thường mang gà thật đến chùa. Điều này không thuận tiện cho các nhà sư, vì vậy mọi người bắt đầu mang những bức tượng gà thay thế. Tại Wat Chedi, những món quà này được người dân thường xuyên gửi gắm gồm pháo, đồ chơi và kẹo, tuy nhiên tượng gà lại nhiều hơn cả.
Những xưởng sản xuất gà xi măng ra đời phục vụ nhu cầu mua tượng gà của du khách. Dù giá tượng gà không hề rẻ, thậm chí những con gà xi măng cao 3,6m có giá lên tới 120.000 Baht (khoảng 92 triệu đồng) nhưng vẫn đông người mua.
Vì chứa hết những con gà sau khi chúng được tặng nên chùa Wat Chedi có nhiều khu bãi trống rộng xếp bạt ngàn gà từ to đến bé. Đây thực sự là nghĩa địa dành cho tượng gà lớn nhất thế giới. Dù dịch Covid-19 khiến các điểm du lịch, nơi tâm linh vắng lặng nhưng ngôi chùa này vẫn đông du khách đến cầu nguyện mong trúng số, làm ăn phát đạt.
Ngôi chùa Wat Chedi rất linh thiêng và có một vị trí tôn kính trong lòng người dân cũng như chính quyền Thái Lan. Tờ Bangkok Post từng đưa tin một sĩ quan cấp cao thuộc Cục Cảnh sát Du lịch Thái Lan phụ trách khu vực Phuketvừa bị điều chuyển công tác để điều tra cáo buộc ông này cho đậu trực thăng tùy tiện ở chùa Wat Chedi. Quyết định điều chuyển Thiếu tướng Krissak Songmoolnak về Bangkok được ký bởi Cục trưởng Chettha Komolwattana và có hiệu lực từ ngày 8/6/2020.
Trước đó, trực thăng chở ông Krissak và một số hành khách khác đã đáp tại sân chùa Wat Chedi vào ngày 5/6.Theo quyết định điều chuyển, Wat Chedi là ngôi chùa linh thiêng nên vị Thiếu tướng này đáng ra phải tìm một nơi khác để đáp máy bay, hoặc không phải di chuyển đến chùa bằng ô tô chứ không được làm như vậy.