Người dân địa phương không gọi tên thủ đô là Bangkok
Bangkok là tên gọi ngắn gọn của thủ đô Thái Lan được biết đến trên toàn thế giới. Nhưng có một sự thật rằng, người dân địa phương lại gọi nó là Krung Thep. Dù vậy, càng bất ngờ hơn khi tên gọi đầy đủ, nguyên văn và chính thức của Bangkok là: Krung Thep Mahanakhon Amon Rattanakosin Mahinthara Ayuthaya Mahadilok Phop Noppharat Ratchathani Burirom Udomratchaniwet Mahasathan Amon Piman Awatan Sathit Sakkathattiya Witsanukam Prasit.
Tên gọi này có thể tạm dịch là “thành phố của các thiên thần, thành phố vĩ đại, thành phố ngọc vĩnh cửu, thành phố bất khả xâm phạm của thần Indra, thủ đô vĩ đại của thế giới được ban tặng 9 viên ngọc quý, thành phố hạnh phúc, sung túc trong cung điện hoàng gia khổng lồ giống như thiên đường nơi ngự trị vị thần tái sinh, một thành phố do Indra ban tặng và xây dựng bởi Vishnukarma”. Đây là tên thủ đô dài nhất trên thế giới.
Theo The Bangkok Post, Nội các Thái Lan ngày 15/2 đã thông qua dự thảo tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng về việc cập nhật tên gọi các quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực hành chính và thủ đô theo đề xuất của ORST. Vào ngày 16/2, Hội Hoàng gia Thái Lan (Royal Institute - ORST) đã tuyên bố đổi tên gọi chính thức của thủ đô nước này, từ Bangkok thành Krung Thep Maha Nakhon.
Tên gọi mới Krung Thep Maha Nakhon sẽ có hiệu lực sau khi Ủy ban phụ trách các dự luật xem xét. Nội các Thái Lan cũng yêu cầu ủy ban này tham khảo ý kiến bổ sung từ Bộ Ngoại giao nước này. Bên cạnh tên mới, tên gọi cũ Bangkok vẫn được sử dụng song song và đặt trong ngoặc đơn để mọi người dễ nhận biết.
Không tiếng còi xe
Nhiều du khách đã bất ngờ khi tới thủ đô Thái Lan mà rất hiếm khi nghe thấy tiếng còi xe, và hầu như là không có. Tiếng còi xe inh tai, nhức óc không hề xuất hiện tại Thái Lan, mặc cho nhiều thời điểm trong ngày từng hàng xe nối dài trên các con đường. Người lái xe ở Thái Lan sử dụng tiếng còi xe để biểu thị sự đã hết mức kiên nhẫn đối với cách lái xe của người bên cạnh hay ở phía trước.
Ở Thái Lan, các phương tiện giao thông bao gồm tất cả ô tô, xe Tuk Tuk, xe thô sơ, xe máy… đều sẽ dừng lại nhường đường nếu người đi bộ có tín hiệu muốn sang đường. Người dân Thái không bon chen, họ có tâm lý nhường nhịn nhau, chính vì thế, khi có người qua đường, đặc biệt là khách du lịch, người dân rất vui vẻ dừng lại chờ họ qua đường, không chỉ khách du lịch mà người dân Thái tự nhường nhau.
Bên cạnh đó, ở Bangkok xe taxi là một thế giới đầy sắc màu. Taxi Bangkok nhiều chiếc chỉ mang một màu duy nhất như hồng, cam, tím, xanh mạ, vàng, cũng có những chiếc lại kết hợp cả hai màu với nhau. Trong khi màu xe taxi ở những quốc gia khác không có gì đặc biệt, thì xe taxi ở Bangkok được mã hóa bằng màu. Những chiếc xe taxi màu đơn (lam ngọc, nước biển, da trời, lục, đỏ, vàng, cam, xanh, hồng, tím, nâu) là xe của công ty, của cá nhân hợp tác và của công ty cho thuê xe.
Còn những chiếc xe taxi có sự phối hợp giữa hai màu được chia làm 3 loại: vàng - lục, đỏ - xanh và vàng - cam. Trong đó màu vàng - lục là xe cá nhân, màu đỏ - xanh là xe cho thuê và màu vàng - cam là taxi của công ty.
Ngoài xe taxi có nhiều màu sắc còn phải kể đến những chiếc xe buýt. Đối với xe buýt, mỗi màu sẽ tương ứng với sự khác nhau về giá vé, lộ trình, sự sở hữu và có máy điều hòa không khí hay không.
Một chiếc xe buýt kết hượp hai màu đỏ - kem là loại chạy thường xuyên không có gắn máy điều hòa. Những chiếc xe buýt màu trắng - xanh thường là không tốt, vì không có máy điều hòa và giá vé thường cao hơn một chút so với những chiếc khác.
Bị xử phạt nếu không mặc nội y ra đường
Đặc biệt, dù là nước có khí hậu nhiệt đới nhưng luật pháp Thái Lan không cho phép hành vi cởi trần khi đi ra đường. Không mặc áo khi đi ô tô, xe máy và thậm chí là đi xe đạp cũng là vi phạm pháp luật. Vào năm 2014, chính quyền Thái Lan đã cảnh báo những khách du lịch thích tắm nắng rằng luật này cũng áp dụng cho họ, đồng thời tuyên truyền hành vi cởi trần là bất hợp pháp và bất lịch sự.
Ở Thái Lan, người nào không mặc quần lót ra đường sẽ bị công an phạt. Bất kể là người bản địa hay khách du lịch. Điều luật này cũng khiến nhiều người tò mò về phương thức kiểm tra những ai vi phạm, tuy nhiên, ở nhà tù Thái Lan có những nơi kiểm tra quần lót.
Vào tháng 1/2018, một nam thanh niên ở Bangkok (Thái Lan) phải vào ngồi trong trại giam hai tuần vì tội mặc quần lót chạy xe ngoài đường, và xem thường luật giao thông khiến nhiều người bất bình.
Mặc dù video clip này đã được quay vào năm 2015 nhưng ngay lập tức bị nhiều người chỉ trích, cho rằng người thanh niên thiếu tự trọng, ăn mặc không nghiêm túc khi xuất hiện ở nơi công cộng.
Dù sự việc xảy ra đã lâu nhưng cảnh sát vẫn lập biên bản và buộc tội Phirak ăn mặc không nghiêm túc khi ra đường và chạy xe trên lề, phạt nam thanh niên này 30 ngày giam và 2.000 baht (1,4 triệu đồng). Tuy nhiên, sau đó toà địa phương đã giảm mức phạt tù giam xuống còn 15 ngày nhưng vẫn giữ mức phạt tiền.
Sử dụng loại lịch riêng
Ở Thái Lan, có hai loại hệ thống lịch được sử dụng cùng nhau. Dương lịch Thái Lan, dựa trên lịch dương như hầu hết các quốc gia trên thế giới đang sử dụng. Dương lịch được sử dụng chính thức vào các mục đính thường ngày. Việc sử dụng dương lịch được Vua Chulalongkorn (Rama V) giới thiệu vào năm 1889 để thay thế cho âm lịch trong các văn bản chính thức.
Nguyên gốc là bắt đầu năm mới vào ngày 1/4, và được chuyển sang ngày 1/1/1941, để ngày và tháng tương ứng chính xác với dương lịch. Việc đánh số năm theo Phật lịch, được giới thiệu vào năm 1913 để thay thế cho thời đại Rattanakosin, thời đại này thay cho thời đại trước đó Chulasakarat năm 1889. Năm trong thời đại Phật giáo ở Thái Lan trước năm trong Công lịch là 543 năm do đó năm 2022 Dương lịch tương ứng với 2565 trong Phật lịch.
Âm lịch gồm mười hai hoặc mười ba tháng trong một năm với 15 ngày trăng dần tròn và 14 hoặc 15 trăng dần khuyết trong một tháng, tạo thành một năm có 354, 355 hoặc 384 ngày. Các năm thường được đánh dấu bằng con vật như âm lịch Trung Quốc, mặc dù có một vài ngày được sử dụng để tính Năm mới.