Shipper lừa người, người lừa shipper
Tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hà Nội, Phạm Minh Kiều (24 tuổi, quê ở Thanh Hóa) không xin được việc làm đúng chuyên môn nên vừa đi làm shipper, vừa tranh thủ chạy Grab Bike (dịch vụ xe ôm qua smartphone). Tâm sự với phóng viên, Kiều cho biết, shipper là một lựa chọn tốt dành cho giới sinh viên và người lao động phổ thông. Chỉ cần một chiếc xe máy, điện thoại, bất kỳ ai cũng có thể trở thành một shipper.
Mỗi đơn hàng giao trong nội thành có giá từ 20-30 ngàn đồng, ngoại thành từ 30-40 ngàn đồng, mỗi ngày một shipper nhận giao vài chục đơn thì thu nhập có thể lên tới cả chục triệu đồng/tháng. Tuy thu nhập kha khá nhưng “dấn thân” vào nghề này, không ít lần shipper phải ngậm “quả đắng” khi dính phải những cú lừa của khách hàng, các chủ hàng lừa đảo, hoặc các đối tượng giả danh chủ hàng.
Anh Kiều từng khốn khổ với một khách hàng. Lần đó, anh nhận giao đồ ăn trưa cho một người đàn ông trung niên ở khu vực Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội). Vị khách hàng này “dụ” anh giao hàng tận nhà rồi kêu mất đồ và đổ cho anh Kiều lấy cắp. Cho đến khi anh chịu bỏ một ít tiền ra trả thì mới được yên lành ra về.
Lợi dụng quy định mỗi đơn hàng, shipper phải đặt cho chủ hàng một khoản tiền tương ứng với giá trị sản phẩm, có chủ hàng đã sử dụng hàng rẻ tiền rồi buộc anh Kiều phải đặt cọc một số tiền lớn, nhưng khi đến nơi, anh không thể liên lạc với khách, quay lại tìm chủ hàng thì cũng không thấy đâu nên đành ngậm ngùi ôm món hàng không xứng với số tiền bỏ ra đặt cọc.
Đồng cảnh ngộ với Kiều, Trần Nam (sinh viên Đại học Thủy Lợi) kể, sau khi nhận được đơn hàng từ trang “Ship tìm người, người tìm ship”, anh đến nhận hàng và ứng trước 350.000 đồng cho chủ hàng. Tuy nhiên, khi tìm đến địa chỉ giao hàng thì không có, số thuê bao cũng không đúng. Vội gọi lại cho chủ món hàng thì điện thoại người này cũng... ò í e. Mở hàng ra thì chỉ là một bọc quần áo rách, cũ. Lúc đó, anh mới biết mình đã bị “sập bẫy” lừa.
“Rút kinh nghiệm, mỗi khi nhận đơn hàng online mình phải cực kì cẩn thận, phải điều tra kĩ thông tin trang cá nhân của chủ hàng. Hai hình thức lừa đảo chính là đưa hàng không đúng giá trị sau đó quỵt tiền ứng, hai là kẹp hàng cấm vào túi hàng. Cả hai cách lừa đều rất nguy hiểm, thấy trường hợp nào nghi ngờ là mình từ chối luôn, không thấy lợi nhuận trước mắt mà làm liều”, Nam cho hay.
Anh Hoàng Tuấn Anh (phố Bạch Mai, Hai Bà Trưng) phụ trách một nhóm shipper cho biết, sau vài lần bị đưa vào hoàn cảnh trớ trêu, các thành viên nâng cao cảnh giác hơn bằng việc đưa ra một số quy định cụ thể cho khách hàng biết về địa điểm, số điện thoại, thông tin shop online... Nhưng do có nhiều đơn hàng trong ngày, khách hàng yêu cầu thời gian chuyển hàng nhanh nên không thể kiểm tra hết các mặt hàng được giao.
“Hiện các đối tượng lừa đảo cũng chuyên nghiệp hơn. Có khi họ lập hẳn cả một trang bán hàng ảo, mua cả ngàn lượt like, view nên có khi nhân viên điều hành cũng không thể biết được”, Tuấn Anh cho hay. Ngoài ra, không ít shop nghỉ bán lâu rồi, lượng hàng tồn kho lớn họ cũng sử dụng SIM rác để lừa đảo shipper.
Trái lại, không chỉ shipper mới bị lừa mà ngay cả chủ hàng cũng nhiều lần lao đao khi gặp phải những kiểu lừa tinh vi của các shipper. Chị Mai Anh, một người bán hàng thường xuyên trên mạng chia sẻ, cách lừa của những shipper này là chiếm lòng tin của chủ hàng rồi sau đó lấy cớ hết tiền và đề nghị không ứng, nếu chủ hàng đồng ý sẽ “bùng” luôn.
“Sau một thời gian tìm được một shipper “ruột” nhiệt tình, có trách nhiệm trong công việc, tôi rất tin tưởng. Hôm đó, tôi cần chuyển mỹ phẩm có giá trị gần 2 triệu đồng thì shipper nói hết tiền ứng nên xin hôm sau sẽ trả luôn thể. Tuy nhiên, hôm sau tôi gọi lại liên tục thì thuê bao không liên lạc được”, chị Mai Anh nhớ lại.
Tương tự là trường hợp của chị Thu Minh, chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh hải sản, sau khi giao lượng hải sản lớn với giá vài triệu đồng cho shipper thì người giao hàng “lặn mất tăm”. Chị Minh liên lạc thì shipper này hẹn đi hẹn lại rồi sau đó khóa máy luôn.
Chị Thu Hằng, một thành viên lâu năm của trang web “Ship tìm người, người tìm ship” cho biết, có hàng chục thành viên là người tuyển ship và đi ship từng bị lừa đảo. Giả làm shipper, hoặc giả làm chủ shop, đây là hai mánh khóe mà kẻ gian thường sử dụng. Phần lớn tài sản bị lừa là những đơn hàng có giá trị vài triệu tới hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, việc khai báo cơ quan chức năng gặp khó khăn vì nhiều trường hợp không có thông tin cá nhân kẻ gian.
Cơ quan chức năng vào cuộc
Trước tình trạng lừa đảo qua dịch vụ giao hàng tăng cao, cơ quan công an đã vào cuộc và bắt giữ hàng loạt shipper, hoặc đối tượng giả làm chủ hàng thuê shipper để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đơn cử là trường hợp Nguyễn Ngọc Kim Ngân (SN 1994, ở ngõ chợ Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) bị Công an Quận Ba Đình bắt về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Ngân đã lập một số tài khoản facebook rồi tham gia “Ship tìm người, người tìm ship”. Sau đó, Ngân thu gom quần áo cũ, các sản phẩm mỹ phẩm rẻ tiền... đóng gói sẵn rồi ghi tên, địa chỉ người nhận và số điện thoại “ma” để lừa đảo. Ngân sử dụng sim “rác” hẹn shipper đến trước các cửa hàng kinh doanh quần áo, mỹ phẩm... Khi shipper đến, Ngân mang hàng từ trong cửa hàng ra và yêu cầu thanh toán trước 1-2 triệu đồng/1 đơn hàng. Không tìm được người nhận hàng, shipper liên lạc lại thì Ngân tắt điện thoại hoặc không nghe máy.
Đối tượng Ngân và những hộp sữa bên trong nhồi cát đen sử dụng để lừa đảo shipper.
Mới đây, Công an Quận Đống Đa cũng đã tạm giữ đối tượng Trần Đỗ Hùng (SN 1984, trú tại 105-205 C10 tập thể Giảng võ, Ba Đình, Hà Nội) để điều tra làm rõ hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trần Đỗ Hùng đến cửa hàng 14A Trịnh Hoài Đức (quận Đống Đa) mua 10 đôi giầy, giá 2 triệu đồng. Sau đó, Hùng nhờ cửa hàng viết tăng giá thành 12 triệu đồng và giao kèo là xin gửi hàng lại, sẽ có người khác đến nhận hàng và giao đủ 12 triệu. Khi người ta giao tiền xong, Hùng liền quay trở lại cửa hàng để lấy số tiền chênh lệch.
Tiếp đó, Hùng thuê anh Đỗ Đình Liệu (huyện Thường Tín, Hà Nội) giao hàng. Anh Liệu đến cửa hàng lấy giầy, thanh toán 12 triệu đồng cho cửa hàng và đi giao hàng nhưng các địa chỉ đều không có. Không giao được hàng, không liên lạc được với Hùng, anh Liệu quay lại cửa hàng hỏi thì phát hiện Hùng đã "ẵm" số tiền chênh lệch đó và chuồn mất hút. Anh Liệu đã đến công an trình báo. Mở rộng vụ việc, CQĐT làm rõ, bằng thủ đoạn tương tự, Hùng ít nhất đã lừa đảo 4 nạn nhân khác chiếm đoạt 33 triệu đồng.
Trước đó, Công an Quận Đống Đa cũng đã lập hồ sơ xử lý Lê Xuân Trường (SN 1993, trú tại tỉnh Nam Định) và Hoàng Quốc Huy (SN 1992, trú tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội) về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo đó, nhận được trình báo của một số nạn nhân bị shipper lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền lên đến gần 20 triệu đồng, cơ quan công an đã tổ chức điều tra, xác định kẻ lừa đảo chiếm đoạt tài sản là Trường và Huy.
Lê Xuân Trường tại trụ sở công an.
Cả 2 đối tượng khai nhận, thường lên mạng giả vờ làm shipper, nhận chuyển hàng hóa cho người có nhu cầu. Sau khi nhận hàng, 2 đối tượng không vận chuyển đến nơi khách nhận mà mang hàng đi bán lấy tiền tiêu xài. Các đối tượng này còn giả vờ làm người có nhu cầu tuyển shipper, sau đó đưa ra những đơn hàng đóng kín không có giá trị hoặc giá trị thấp để đưa cho người nhận vận chuyển. Sau đó, chúng yêu cầu người nhận ship phải đặt cọc tiền từ 1-3 triệu đồng.
Đại diện Công an Quận Đống Đa khuyến cáo, mùa hè sắp tới cũng là khoảng thời gian học sinh, sinh viên đi làm thêm rất nhiều. Không loại trừ những đối tượng lừa đảo khác sẽ sử dụng lại thủ đoạn tương tự để chiếm đoạt tài sản của người khác. Vì vậy, những người nhận việc giao hàng cần chọn lọc cơ hội làm việc, nâng cao cảnh giác kẻo “tiền mất tật mang”.
Đối với mỗi một đơn hàng, shipper phải tìm hiểu thông tin về khách hàng, tìm hiểu kỹ gói đồ mình nhận giao và không bao giờ nhận giao hàng ngoài đường. Nếu đơn hàng cần ứng số tiền lớn, nên viết giấy tờ thỏa thuận đặt một phần tiền kèm giấy tờ tùy thân. Đồng thời, khi phát hiện người nào có hành vi gian dối, cần đến cơ quan công an gần nhất trình báo để được hỗ trợ, xử lý.
Mặt khác, cũng theo CQĐT, nhiều đối tượng shipper lừa đảo với thủ đoạn rất tinh vi như thường xuyên thay đổi địa điểm hoạt động, dùng nhiều SIM rác để liên lạc. Mỗi lần lừa đảo số tiền dưới 2 triệu đồng để tránh bị xử lý hình sự. Thậm chí nhiều kẻ gian còn dọa đánh khiến nhiều người sợ hãi, bỏ qua. Những người kinh doanh trên mạng nên tuyển shipper là người quen, có lý lịch rõ ràng tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trước thực trạng này, thiết nghĩ cơ quan chức năng cũng cần có chế tài cụ thể để quản lý loại hình kinh doanh này, tránh tình trạng biến tướng dẫn đến chiếm đoạt tài sản của người dân.