Giá vàng thế giới vừa có phiên biến động nhẹ với đà tăng giảm trái chiều trong biên độ khoảng 20 USD/ounce.
Có thời điểm, giá kim loại quý vọt tăng lên mốc 1.667 USD/ounce trong bối cảnh đồng USD suy yếu và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm, bất chấp rủi ro từ những đợt nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đeo bám.
Đồng USD giảm đã làm tăng sức hấp dẫn của người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác. Chỉ số USD, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ, giảm 1,11% xuống 111,95 điểm.
Tuy nhiên, không lâu sau, giá vàng lại quay đầu đi xuống, lùi về mốc 1.650 USD/ounce ở thời điểm hiện tại.
Thị trường kim loại quý cũng được thúc đẩy sau khi báo cáo của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ chi nhánh New York được công bố cho thấy hoạt động trong lĩnh vực sản xuất yếu hơn dự kiến. Cụ thể, Ngân hàng Trung ương khu vực cho biết chỉ số điều kiện kinh doanh chung của khảo sát sản xuất Empire State đã giảm xuống mức -9,1 trong tháng 10, giảm so với mức -1,5 được ghi nhận trong tháng 9.
Dữ liệu này đã bỏ xa mức dự báo của các nhà kinh tế là -4,3. Nền kinh tế suy yếu làm gia tăng kỳ vọng Fed sẽ làm chậm lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới.
Theo đà biến động của thị trường vàng thế giới, vàng miếng SJC cũng dao động nhẹ.
Cụ thể, tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng miếng SJC giảm 100.000 đồng ở cả hai chiều, giao dịch tại 65,9 - 66,92 triệu đồng/lượng. Cùng lúc đó, giá vàng miếng SJC tại Doji niêm yết giao dịch tại 66 - 66,9 triệu đồng/lượng, giữ nguyên giá so với giá chốt phiên chiều qua.
Ở thị trường ngoại hối, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố sáng nay ở mức 23.637 đồng/USD, tăng 51 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 24.380 đồng/USD.
Tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, tỷ giá giao dịch ghi nhận quanh mốc 24.170 - 24.480 đồng/USD. Trong khi đó, ngân hàng Vietinbank ghi nhận tỷ giá giao dịch 24.179 - 24.470 đồng/USD.