Ngày pháp luật

Nên xem xét miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân

Thanh Niên

Để kích cầu tiêu dùng trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, chính sách miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cần sớm xem xét áp dụng.

Nên xem xét miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân - Ảnh 1

Làm thủ tục quyết toán thuế thu nhập cá nhân. ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Hỗ trợ nghỉ việc cũng bị khấu trừ thuế

Tại báo cáo “Tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động việc làm tại Việt Nam” của Tổng cục Thống kê công bố đầu tháng 7, dịch Covid-19 xuất hiện đã tác động đến lao động, việc làm của 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên. Lực lượng lao động và lao động có việc làm đều giảm trên 2 triệu người, là mức giảm lớn nhất trong vòng 10 năm qua.

Điều tra đợt 2 tác động của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp

Tổng cục Thống kê sẽ tiến hành điều tra đột xuất đánh giá tác động của dịch Covid-19 tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) lần thứ 2. Đợt thu thập thông tin được thực hiện từ ngày 10 - 20.9 và công bố kết quả vào cuối tháng 9.

Mục đích của cuộc điều tra lần này nhằm thu thập thông tin về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; cũng như đánh giá mức độ hỗ trợ và sự lan tỏa của các chính sách của Chính phủ, các ngành đối với DN trong thời gian qua. Thông qua đó, Chính phủ, các ngành và địa phương có các chính sách, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh giúp DN ứng phó tốt hơn trước dịch Covid-19 lần 2.

Trước đó, cuộc điều tra lần 1 đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đã được thực hiện vào tháng 4. Kết quả điều tra 126.565 DN cho thấy, có tới 85,7% số công ty bị tác động bởi dịch Covid-19. Trong đó, một số ngành kinh tế có tỷ lệ DN chịu tác động tiêu cực cao, điển hình như: ngành hàng không 100%, dịch vụ lưu trú 97,1%, dịch vụ ăn uống 95,5%, hoạt động của các đại lý du lịch 95,7%, giáo dục và đào tạo 93,9%, tiếp đến là các ngành dệt may, sản xuất da, các sản phẩm từ da, sản xuất các sản phẩm điện tử, sản xuất ô tô đều có tỷ lệ trên 90%...

Thu nhập bình quân tháng của lao động trong quý 2/2020 giảm 525.000 đồng so với quý trước và giảm 279.000 đồng so với cùng kỳ, xuống 5,2 triệu đồng. Đây là năm đầu tiên thu nhập của lao động trong quý 2 giảm so với cùng kỳ năm trước trong 5 năm qua (giảm 5,1%).

Thế nhưng, rất nhiều bất cập của chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vẫn chưa được điều chỉnh. Ông Sơn (chạy xe ôm công nghệ) cho biết, quy định người chạy xe ôm có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm đóng thuế TNCN chưa được giải quyết vẫn đang gây bức xúc. Nhất là hiện nay mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế đã tăng từ

9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng, tức người làm công ăn lương được trừ 132 triệu đồng/năm trước khi tính thuế TNCN. Trong khi đó, người chạy xe ôm phải chịu chi phí xăng xe, sửa chữa xe... thì có doanh thu 100 triệu đồng đã phải nộp thuế TNCN.

Tương tự, khoản tiền doanh nghiệp hỗ trợ người lao động nghỉ việc, mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 phải thực hiện khấu trừ thuế 10% gây ra không ít bức xúc. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vừa qua đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét việc không thu thuế TNCN 10%. Phía Bộ Tài chính cho hay sẽ báo cáo Thủ tướng để trình các cấp có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn, việc miễn giảm thuế TNCN thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây đúng là "được vạ thì má đã sưng". Khó khăn mới phải hỗ trợ nhưng lại bị trừ thuế là điều vô lý. Nhưng để sửa quy định vô lý thì lại phải chờ... quy trình.

Xem xét miễn, giảm thuế TNCN

Theo đánh giá của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư, đại dịch Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, nhanh và mạnh tới kinh tế thế giới và Việt Nam; nguy cơ suy thoái lớn nhất trong nhiều thập niên, tăng trưởng sụt giảm nghiêm trọng hơn cả thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008 - 2009; hoạt động kinh tế bị dừng đột ngột; thương mại và đầu tư suy giảm; thị trường tài chính thế giới bất ổn; nhiều xu hướng mới về kinh tế, địa chính trị thế giới cũng được hình thành và dự báo sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong thời gian tới, đặc biệt là xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu. Dư địa tăng trưởng của nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm bị thu hẹp đáng kể và một trong những động lực tăng trưởng là “kích thích tiêu dùng”.

TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính Trường đại học Kinh tế TP.HCM (UEH), cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, cần có chính sách miễn, giảm thuế TNCN như đã từng làm năm 2009 nhằm kích thích tiêu dùng.

Đối tượng chịu ảnh hưởng do tác động của dịch Covid-19 là công nhân, nhân viên nhưng tỷ lệ này đóng thuế thấp trong tổng thu ngân sách. Thế nhưng cũng không nên có tâm lý “những người nộp thuế là giàu, cứ để cho họ đóng”, bởi thật ra nếu có nguồn tiền miễn thuế, những người này tái đầu tư mạnh mẽ hơn. Chẳng hạn như mua bất động sản thì cũng tăng doanh số thị trường nhà đất chứ không nên tính toán quá chặt chẽ.

“Vấn đề căn bản của nền kinh tế hiện nay là suy giảm tổng cầu, trong khi Chính phủ chưa thể nào tăng chi tiêu công ngay được. Do đó, việc giảm thuế để gia tăng thu nhập trong dân cư sẽ thúc đẩy tốt hơn việc kích thích chi tiêu. Thực tế, đối tượng chịu thuế TNCN hiện nay đã tăng lên so với trước đây rất nhiều nên việc miễn giảm thuế là nên xem xét bởi việc này có tác động lan tỏa trên diện rộng. Còn không được hỗ trợ, người dân thắt chặt chi tiêu thì hoạt động sản xuất kinh doanh cũng thu hẹp. Kinh nghiệm các nước về chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa hỗ trợ trong mùa dịch Covid-19 là chi nhanh, dễ và đúng thời điểm. Nếu cứ nâng lên đặt xuống thì qua thời điểm, làm tổng cầu sụt giảm, kinh tế đứng luôn thì chi phí khôi phục cũng rất lớn”, ông Chí phân tích.

Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico, nhận định: Các nước khác hiện nay đang có những biện pháp hỗ trợ trực tiếp đến người dân, do đó Chính phủ cũng cần xem xét cho miễn thuế TNCN cho các đối tượng nhận lương, tiền công để kích cầu tiêu dùng, từ đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, vực dậy nền kinh tế. “Việc giãn thuế TNCN là không hiệu quả vì trước sau gì cũng phải đóng. Thời điểm hiện tại cần biện pháp mạnh hơn, đó là miễn, giảm thuế TNCN. Do dịch Covid-19 kéo dài và gây ảnh hưởng đến năm sau nên chính sách giảm, miễn thuế cũng cần thực hiện tính đến cuối năm 2021 (hơn năm), tỷ lệ miễn giảm từ 30 - 50%”, ông Đức nói.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục