Thông tin này cũng khớp với những hé lộ trước đó của ban lãnh đạo tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 diễn ra cuối tháng 3 vừa qua, cho thấy ngân hàng dự kiến có lãi trở lại ngay từ quý đầu năm.
Theo số liệu ước tính, kết thúc quý 1/2025, tổng tài sản của NCB đạt gần 131.000 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cuối năm 2024. Huy động vốn (bao gồm tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá) ước đạt hơn 107.000 tỷ đồng, tăng 6,8%. Dư nợ cho vay khách hàng ước đạt hơn 78.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm, tương ứng mức tăng ròng hơn 6.800 tỷ đồng.
Đáng chú ý, thu nhập lãi thuần trong quý ước đạt gần 510 tỷ đồng, ghi nhận mức cao nhất trong 9 quý gần đây. Các nguồn thu khác từ hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và vàng, mua bán chứng khoán đầu tư... cũng đóng góp tích cực vào kết quả lợi nhuận chung.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, NCB đã trình và được thông qua kế hoạch kinh doanh cho cả năm. Mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm 2025 đạt 135.500 tỷ đồng (tăng 14,6% so với thực hiện năm 2024), huy động khách hàng đạt 118.500 tỷ đồng (tăng 23,2%), và dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng 35% lên hơn 96.000 tỷ đồng (trong hạn mức được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt).
Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước các chi phí liên quan đến phương án cơ cấu lại (PACCL) là 59 tỷ đồng và cam kết sử dụng toàn bộ lợi nhuận tạo ra để phục vụ quá trình tái cơ cấu theo lộ trình đã được phê duyệt. Mục tiêu thu hút thêm 424.000 khách hàng mới trong năm 2025 cũng được đặt ra.
Một điểm nhấn quan trọng trong kế hoạch năm 2025 và các năm tiếp theo là việc tăng cường năng lực tài chính. NCB đã được ĐHĐCĐ phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ lên 19.280 tỷ đồng. Nếu thực hiện thành công, đây sẽ là lần tăng vốn thứ ba trong vòng bốn năm liên tiếp (từ 2022 đến 2025). Theo lộ trình tái cơ cấu dài hạn, vốn điều lệ của NCB dự kiến sẽ tiếp tục được nâng lên, mục tiêu đạt hơn 29.000 tỷ đồng vào năm 2028. Việc tăng vốn được kỳ vọng sẽ củng cố nền tảng tài chính, bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn, hỗ trợ mở rộng kinh doanh và đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động.
Song song với việc củng cố vốn, NCB định hướng tập trung phát triển các giải pháp tài chính chuyên biệt cho phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Ngân hàng cũng đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để cải thiện sản phẩm, dịch vụ. Đáng chú ý, NCB dự kiến ra mắt sản phẩm chiến lược về "Digital Wealth" (Quản lý tài sản số) vào cuối năm 2025, hứa hẹn mang đến giải pháp tài chính mới cho khách hàng.
Các hoạt động này diễn ra đồng thời với việc thực hiện quyết liệt các giải pháp trong PACCL theo "Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025". Nhờ đó, ngân hàng cho biết tỷ lệ nợ xấu tính đến hết ngày 31/3/2024 tiếp tục giảm mạnh và các chỉ số tài chính đều đảm bảo tuân thủ theo quy định của NHNN.
Kết quả kinh doanh khả quan trong quý đầu năm 2025 được xem là tín hiệu tích cực, cho thấy những nỗ lực tái cơ cấu và chuyển đổi chiến lược của NCB đang bắt đầu mang lại hiệu quả. Việc quay trở lại quỹ đạo lợi nhuận cùng các kế hoạch tăng vốn, phát triển sản phẩm mới cho thấy quyết tâm của ngân hàng trong việc hướng tới mục tiêu hoạt động an toàn, hiệu quả và bền vững hơn trong giai đoạn tới.