Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy: tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng có xu hướng chậm lại trong những tháng gần đây và bắt đầu chững lại kể từ tháng 7/2021. Tháng 8 và tháng 9/2021, lượng tiền gửi liên tiếp sụt giảm so với các tháng liền kề, ở mức 1.000 - 1.500 tỷ đồng.
Những con số này cho thấy sự lựa chọn của các nhà đầu tư trước những lo lắng về rủi ro lạm phát. Nếu như trước đây, dòng tiền gửi tiết kiệm được xem là kênh trú ẩn an toàn, thì nay tiền gửi từ dân vào tổ chức tín dụng liên tiếp giảm trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động thấp. Các nhà đầu tư đã lựa chọn bất động sản làm nơi trú ẩn cho dòng tiền.
Theo lý giải của các chuyên gia, trong bối cảnh này, các nhà đầu tư sẽ có xu hướng rút tiền khỏi ngân hàng vốn có lãi suất không bao giờ đuổi kịp tốc độ lạm phát và đổ vào các kênh đầu tư hấp dẫn hơn như bất động sản. Thực tế này đã được chứng minh qua nhiều thời kì lạm phát ở Việt Nam và thế giới.
Kể từ tháng 10/2021 tới nay, khi thông tin về lạm phát bắt đầu xuất hiện, thị trường đã ghi nhận sự tăng mạnh của giao dịch bất động sản, minh chứng là thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất đống sản tháng 10 tăng gấp đôi tháng 9. Cùng với đó, thị trường BĐS sơ cấp cũng trở nên sôi động. Các buổi công bố sản phẩm và giới thiệu dự án từ đầu tháng 11 đến nay đều thu hút lượng người tham dự đông kỉ lục.
Các chuyên gia kinh tế nhận định: BĐS là kênh đầu tư tối ưu của các nhà đầu tư khi đối mặt với áp lực lạm phát. Chỉ số lạm phát đang được dự báo có thể tăng cao trước những biến động của nền kinh tế như: tung ra các gói kích cầu, đẩy mạnh hoạt động đầu tư công, tăng giá nguyên vật liệu, xăng đầu… Đó là lí do mà nhà đầu tư đổ tiền vào bất động sản. Bởi nếu mua một căn nhà hiện nay với giá 1 tỉ đồng, khi lạm phát xảy ra, giá sẽ tăng lên 1,2 – 1,5 tỉ đồng.
Trả lời báo chí, TS. Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia ngành Tài chính ngân hàng cho biết, trong môi trường lạm phát tăng thì mức độ phục hồi – sốt của từng phân khúc sẽ rất khác nhau. Cụ thể, năm qua phân khúc chung cư, đặc biệt là chung cư giá rẻ và trung bình có tốc độ phục hồi khá nhanh với tỉ lệ giao dịch thành công cao và tỉ lệ người sử dụng cuối cùng lớn. Dự báo đây sẽ là phân khúc sôi động nhất năm 2022. Giá phân khúc này cũng sẽ có xu hướng tăng mạnh trong năm nay.
Tiếp đó là phân khúc biệt thự liền kề, shophouse và biệt thự độc lập với tốc độ phục hồi khá nhanh. Tuy mức giá và tỉ lệ thành công tăng chậm hơn phân khúc căn hộ chung cư song đà năng này vẫn rất khả quan do nguồn cung khan hiếm. Người mua BĐS thuộc phân khúc này chủ yếu có mục đích đầu tư kiếm lời hoặc để dành tài sản, số người mua để sử dụng cuối cùng là khá khiêm tốn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, năm 2022, dự kiến nguồn cung chào bán mới sẽ tăng trưởng trở lại. Doanh số bán hàng dự kiến sẽ hồi phục khi các hoạt động bán hàng dần trở lại bình thường. Do quỹ đất nội thành các thành phố lớn khan hiếm, các dự án mới ở phân khúc trung cấp sẽ tập trung chủ yếu ở khu vực ngoại thành – nơi có quỹ đất lớn. Theo đó, bất động sản nhà ở tại các khu vực vùng ven Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội là phân khúc đáng được cân nhắc cho các nhà đầu tư cá nhân trong năm tới.