Trên những rẻo cao thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, cả năm người dân chỉ trồng được một vụ lúa vì là vùng không chủ động nguồn nước. Họ đợi mùa mưa đến để tích nước rồi gieo mạ từ tháng 5, tháng 6.
Gần một tháng sau thì nhổ mạ mang đi cấy, sau đó chăm sóc đến khi thu hoạch vào tháng 10 - 11. Cây lúa ở xã vùng cao Y Tý ( huyện Bát Xát, Lào Cai) là một hành trình gian nan từ cây lúa ra đến hạt gạo.
Người thiểu số Hà Nhì Đen chiếm đến hơn 80% dân số toàn xã, và là chủ nhân của những thửa ruộng bậc thang. Ông Phà Mừ Có ở thôn Choẳn Thèn cho biết: "Dân bản tận dụng nước mưa và dẫn thêm nước từ các con suối ở hèm núi ra ruộng. Sau đó họ vạt cỏ, đắp bờ giữ nước".
Vào mùa nước đổ, toàn bộ trâu từ bản được chủ hộ dẫn theo bờ ruộng lên để cày bừa, làm mềm đất...
Khi ruộng đã bằng phẳng, bà con đồng loạt lên nương đi cấy lúa. Trong suốt vụ lúa, mọi người trong nhà phải thường xuyên lên nương thăm ruộng, nhổ cỏ dại, chăm bón, thậm chí dựng nhà giữa ruộng làm lễ cầu mùa…
Khi lúa chín rộ, già trẻ, trai gái bắt đầu lên nương thu hoạch. Gặt xong, những bó lúa được cho vào bao, gùi hoặc để nguyên. Người dân dùng tấm lưng trần, bờ vai khỏe khoắn để đưa lúa xuống bản. Họ cõng lúa trên lưng đi men theo bờ ruộng nhấp nhô giữa trời nắng chang chang.
Những hạt gạo có được sau bao tháng ngày vun trồng, chăm sóc, cõng chở, gặt, đập với bà con vùng cao Y Tý quý giá như hạt vàng.
Trước đó 5 tháng là việc gieo mạ, cấy, chăm cây lúa trên vùng đất núi đồi Tây Bắc này.
Link bài gốc