Ngày pháp luật

“Món quà”, “động lực” để các Gương sáng tiếp tục nỗ lực, cống hiến

Thục Quyên

Trước thềm Lễ tôn vinh Gương sáng Pháp luật năm 2023, Báo PLVN đã có dịp gặp gỡ, lắng nghe các chia sẻ, kiến nghị của các Gương sáng Pháp luật năm 2021 về Chương trình bình chọn, vinh danh Gương sáng Pháp luật (gọi tắt là Chương trình).

Phần thưởng xứng đáng của các tấm gương

50 Gương sáng được vinh danh năm 2021 - năm đầu tiên Báo Pháp luật Việt Nam được giao tổ chức Chương trình bình chọn, vinh danh Gương sáng Pháp luật - mang tính đại diện cho các ngành, lĩnh vực và địa phương, đều đã có những đóng góp tích cực trong công tác xây dựng, tổ chức và thi hành pháp luật. Qua đó, lan tỏa những hình ảnh đẹp, những tấm gương anh dũng, đức hy sinh của người dân và cán bộ, công chức trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Nhớ lại Lễ vinh danh năm 2021, GVCC.PGS.TS Phạm Thị Giang Thu, nguyên Trưởng Bộ môn Luật Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Luật Hà Nội tâm sự, cô vẫn đầy ắp cảm xúc bất ngờ và tự hào. Cô cũng bất ngờ vì bản thân không biết mình được mọi người quan tâm và đánh giá cao về những công việc mình đã làm trong thời gian qua. Tự hào vì niềm vinh dự khi trở thành 1 trong 50 Gương sáng được ghi nhận trong lần tổ chức đầu tiên này, cô càng thấy con đường mình đi, những việc mình làm là đúng, có ý nghĩa; điều này cũng có nghĩa là mình sẽ phải làm tốt hơn những gì mình đã làm.

GVCC.PGS.TS Phạm Thị Giang Thu, nguyên Trưởng Bộ môn Luật Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Luật Hà Nội.
GVCC.PGS.TS Phạm Thị Giang Thu, nguyên Trưởng Bộ môn Luật Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Luật Hà Nội.

TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng rất vui khi được vinh danh tại Chương trình bình chọn, tôn vinh Gương sáng pháp luật lần đầu tiên. Ông chia sẻ, ông đã thực sự xúc động và cảm thấy may mắn khi được giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ với 50 Gương sáng Pháp luật được bình chọn, tôn vinh trong Chương trình, được phát hiện, lựa chọn khắp mọi miền của Tổ quốc. “Không chỉ những “cây đa, cây đề” trong giới làm luật, các chuyên gia pháp lý Bộ, ngành…, tại đó tôi còn gặp gỡ rất nhiều những tấm gương già làng, trưởng bản, chiến sĩ công an, bộ đội, các hòa giải viên cơ sở… Họ thực sự là những tấm gương đáng học hỏi trong mọi lĩnh vực của cuộc sống”, ông cho hay.

TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).
TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).

Là 1 trong 50 “Gương sáng Pháp luật” được vinh danh năm 2021, Giám đốc Làng Trẻ em mồ côi Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Sơn khiêm tốn nhấn mạnh, “phần thưởng cao quý này là của tập thể Làng Trẻ em mồ côi Hà Tĩnh, tôi chỉ may mắn là người đại diện đón nhận”. Ông tâm sự cảm thấy rất biết ơn và hạnh phúc khi biết mình là 1 trong 50 “Gương sáng Pháp luật” được vinh danh năm 2021. Giải thưởng như một món quà và là một minh chứng cho những nỗ lực và cố gắng của ông trong suốt thời gian học tập và công tác tại Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh. Đồng thời, đây cũng là một động lực to lớn để ông có thể tiếp tục phấn đấu trên con đường sự nghiệp của mình.

Ông Nguyễn Hồng Sơn cùng các trẻ em tại Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Hồng Sơn cùng các trẻ em tại Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh.

Vinh dự và tự hào là cảm xúc chung của các Gương sáng Pháp luật năm 2021 nhưng đó là phần thưởng thực sự xứng đáng với họ bởi những cống hiến, những việc làm của họ, góp phần xây dựng và hoàn thiện pháp luật, đưa pháp luật hiện hữu trong cuộc sống.

Mong Chương trình ngày càng lan tỏa hơn nữa

Cùng với đó, các Gương sáng Pháp luật năm 2021 còn dành nhiều tình cảm với Chương trình. Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, nguyên Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết, Việt Nam là một trong số ít các nước ban hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống. Bằng nhiều phương pháp, phương thức để tuyên truyền, phổ biến pháp luật và ngày càng đa dạng hóa các phương pháp đó nhưng cách giáo dục tốt nhất được đúc kết là nêu gương do phương pháp này rất gần gũi, thực tế, dễ thực hiện theo.

Chương trình bình chọn, tôn vinh Gương sáng Pháp luật do Báo Pháp luật Việt Nam được giao chủ trì thực hiện đã đưa ra những con người cụ thể, hoàn cảnh cụ thể, việc làm tốt cụ thể. Thay vì đưa những điều khoản khô khan thì những gương sáng đó là hiện thân của nhận thức pháp luật, của tuân thủ pháp luật nên có sức lan tỏa rất lớn. Chương trình rất thành công, nhân rộng và lan tỏa ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống để cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ luật pháp.

Ông hoan nghênh sáng kiến của Báo Pháp luật Việt Nam trong việc tôn vinh các tấm gương trong thực thi pháp luật. Bởi Bác Hồ đã nói “vấn đề Tư pháp trong lúc này suy cho cùng là ở đời và làm người”, pháp luật phải thông qua hành vi của con người để trở thành sức mạnh và đó là “đời”.

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, nguyên Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, nguyên Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an

Hiện nay, pháp luật rất nhiều, rất tốt nhưng thực thi trong cuộc sống còn nhiều điểm chưa tốt. Vì vậy, thực thi pháp luật giữ vai trò quan trọng và vị Trung tướng ngành Công an mong rằng chúng ta sẽ phát hiện, phản ánh được nhiều tấm gương trong cuộc sống để tác động đến mọi người, để những ai chưa tốt sẽ nhìn vào họ mà làm theo, giúp pháp luật phát huy giá trị vật chất, thúc đẩy xã hội phát triển và sự văn minh của xã hội.

Giá trị nhân văn của Chương trình bình chọn, tôn vinh Gương sáng Pháp luật ở chỗ mỗi gương sáng là sự kết nối giữa đời thường với một cộng đồng rộng hơn, họ hành động không phải vì pháp luật đòi hỏi mà từ trái tim, họ thấy cần thiết phải làm. Từ giá trị nhân văn này, ông Ngọc Anh đề nghị nên có định kỳ tổ chức Chương trình bình chọn khi các tấm gương tuân thủ, thực thi pháp luật luôn luôn xuất hiện trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh đề xuất có thể mở rộng đối tượng bình chọn cho cả tổ chức, chứ không chỉ bình chọn cho các cá nhân. Điều đó xuất phát từ chỗ giữa cá nhân và tổ chức có mối quan hệ logic: tổ chức tốt dễ tạo điều kiện cho cá nhân tỏa sáng và ngược lại cá nhân tỏa sáng thì họ phải hoạt động trong khuôn khổ một tổ chức và họ có thể truyền cảm hứng lan tỏa, dẫn dắt làm cho tổ chức tốt lên.

GS.TS. Đại sứ Nguyễn Hồng Thao - thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) của Liên Hợp quốc cũng hoàn toàn ủng hộ sáng kiến Gương sáng Pháp luật do Bộ Tư pháp giao Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức nhằm đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách; đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật, tự do trong khuôn khổ pháp luật; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp; ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa; bồi dưỡng ý thức và năng lực phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là những điều kiện quan trọng góp phần hình thành con người về mặt tâm hồn, nhân cách, để mỗi con người tự ý thức về mình, về cộng đồng, về dân tộc, về đất nước.

GS.TS. Đại sứ Nguyễn Hồng Thao - thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) của Liên Hợp quốc.
GS.TS. Đại sứ Nguyễn Hồng Thao - thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) của Liên Hợp quốc.

Ông nhấn mạnh, Gương sáng Pháp luật chỉ có thể thiết thực khi dựa trên các nguyên tắc khách quan, minh bạch, thượng tôn pháp luật trong lựa chọn cá nhân và tập thể tiêu biểu, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, xây dựng, tổ chức và thực thi pháp luật quốc gia và quốc tế.

Để Chương trình ngày càng thiết thực, mang lại những giá trị to lớn hơn, hoàn thiện hơn, cô Giang Thu bày tỏ, việc hình thành và duy trì sáng kiến bình chọn Gương sáng Pháp luật là ý tưởng thật nhân văn đã trở thành hiện thực và nếu nó được truyền thông nhiều hơn, để nhiều người biết đến hơn, có lẽ nó sẽ còn lan tỏa và giá trị hơn nhiều, tìm được những thật nhiều Gương sáng.

Ông Trần Đắc Phu cũng đề nghị, chúng ta nên quan tâm, cố gắng tìm tòi, phát hiện những nhân vật ở vùng sâu, vùng xa; những nhân tố điển hình đóng góp thầm lặng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mang lại bình yên cho nhân dân. “Có như vậy, Chương trình sẽ mang tính bao quát và phổ biến rộng hơn, cũng như sâu sắc và mang tính giáo dục cao hơn”, ông Phu gửi gắm.

Đại tá Lê Trang Hùng, Trưởng phòng Cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Công an.
Đại tá Lê Trang Hùng, Trưởng phòng Cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Công an.

Đại tá Lê Trang Hùng, Trưởng phòng Cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Công an lại hy vọng Hội đồng bình chọn Chương trình năm nay sẽ tiếp tục sáng suốt lựa chọn những tấm gương sáng, những nhân vật điển hình để qua đó lan tỏa những hình ảnh tốt đẹp, những tấm gương, sự nỗ lực của công dân và cán bộ, công chức, người lao động trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cùng với đó, theo Đại tá Hùng, Ban tổ chức Chương trình cũng cần đẩy mạnh công tác truyền thông để đông đảo người dân biết đến Chương trình, biết đến các nhân vật trong bài viết, đặc biệt là nhân vật được vinh danh. Theo ông, đây là cách thức hiệu quả để chúng ta có thể vừa lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống, đồng thời cũng giúp chúng ta nắm được thông tin đa chiều từ dư luận đối với các Gương sáng Pháp luật.

Tin Cùng Chuyên Mục