Ngày pháp luật

McKinsey: Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng sản xuất cao nhất Châu Á

Giang Phạm

(Doanhnhan.vn) - Đã hai tháng nay, Việt Nam không phát hiện thêm ca dương tính Covid-19 mới trong cộng đồng. Điều này giúp Việt Nam được nhận định là một trong số 11 nền kinh tế vượt trội trong số các thị trường mới nổi, và là một trong những nước đầu tiên mở lại hoàn toàn nền kinh tế trong nước.

Nguy cơ tái phát dịch vẫn là mối đe dọa lớn nhưng Việt Nam đã nhanh chóng chuyển trọng tâm sang phục hồi kinh tế. Mặc dù chưa hoàn toàn hồi phục, thế nhưng đất nước hình chữ S này đã có những dấu hiệu tích cực cho việc hồi sinh.

Tăng trưởng GDP trong quý I dù đạt 3,8% nhưng đây là mức thấp nhất kể từ năm 2010. Xuất khẩu và du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tiêu dùng trong nước đã và đang trở thành một phần quan trọng giúp nền kinh tế kết nối với nhau.

Chi tiêu nhu yếu phẩm tăng cao

Với tầng lớp trung lưu phát triển mạnh cùng thu nhập khả dụng tăng cao, chi tiêu trong nước từ lâu đã trở thành động lực tăng trưởng chính của Việt Nam, chiếm tới 68% GDP.

Kết quả khảo sát của McKinsey được thực hiện vào tháng 4 cho thấy, có tới 67% người Việt Nam tiết lộ, thu nhập của họ đã giảm vì Covid-19. Cũng vì điều này mà 55% người được hỏi cho biết họ buộc phải cắt giảm chi tiêu.

McKinsey: Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng sản xuất cao nhất Châu Á - Ảnh 1

Dẫu vậy, quá trình giãn cách xã hội của Việt Nam chỉ kéo dài 22 ngày, ngắn hơn đáng kể so với nhiều quốc gia khác nên đã phần nào giảm bớt áp lực đối với tiêu dùng, thị trường bán lẻ.

Cùng với đó, vào tháng 3, Chính phủ đã tung gói kích cầu trị giá 27.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ. Nếu phân tích kỹ có thể thấy tiêu dùng trong nước được cải thiện chủ yếu nhờ nhu cầu với hàng hóa và dịch vụ thiết yếu (chiếm 42% GDP), cao hơn nhiều so với mức 26% chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ không thiết yếu. 

Ngành du lịch dần khởi sắc

Nếu chỉ tính riêng tiêu dùng trong nước thì chắc chắn sẽ không đủ lực để kéo Việt Nam trở lại đường đua tăng trưởng trước dịch Covid-19. Do vậy mà triển vọng ngắn hạn của Việt Nam vẫn phụ thuộc sâu vào tình hình kinh tế toàn cầu.

Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế hay Ngân hàng phát triển châu Á đều đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,8% - 7% vào năm 2021.

Sự phục hồi của du lịch quốc tế và xuất khẩu các mặt hàng sản xuất lao động giữ vai trò quan trọng với mức tăng trưởng này. Do tính chất khó lường của Covid-19, thật khó để chỉ ra sự phục hồi du lịch sẽ diễn ra như thế nào. Thế nhưng khả năng cao ngành công nghiệp không khói này sẽ khởi động lại đầu tiên trong khu vực ASEAN khi biên giới chính thức mở cửa trở lại.

Với việc kiểm soát bệnh dịch khá tốt như hiện nay có thể giúp Việt Nam đạt được vị trí cao khi đón đầu khách du lịch quốc tế. Nhưng cho dù du lịch trong khối ASEAN hồi phục thì dự kiến, lượng khách du lịch quốc tế vẫn sẽ sụt giảm 50% - 70% trong năm nay. Rõ ràng, sự sụt giảm này sẽ có tác động đáng kể hàng ngàn nhà khai thác du lịch.

Triển vọng tích cực cho các nhà sản xuất

Sản xuất là ngành quan trọng đối với tăng trưởng của Việt Nam, đưa Việt Nam thành quốc gia có tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP cao nhất Đông Nam Á.

Covid-19 bùng phát tấn công mạnh vào nguồn cung, đặc biệt khi Trung Quốc buộc phải đóng cửa. Nhu cầu đối với hàng Việt cũng giảm mạnh khi các thị trường xuất khẩu chính bị ngưng trệ. Nhưng vẫn có một số điểm sáng đáng khích lệ. 

McKinsey: Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng sản xuất cao nhất Châu Á - Ảnh 2

Các kỹ sư từ hai nhà sản xuất điện tử quốc tế lớn đã được phép vào Việt Nam đầu năm nay để đảm bảo nhà máy của họ tiếp tục hoạt động hết công suất. Chính phủ cũng hợp tác với các doanh nghiệp địa phương để tăng cường sản xuất thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) cho nhân viên, từ đó giúp tiếp cận thị trường toàn cầu.

Khi các nhà sản xuất trên thế giới bắt đầu suy nghĩ về chiến lược của chuỗi cung ứng, Việt Nam là một trong những sự lựa chọn hàng đầu.

Bởi Việt Nam có thị phần xuất khẩu mặt hàng sản xuất lao động sang thị trường mới nổi tăng 2,2% trong giai đoạn 2014 - 2017. Công nghiệp phụ trợ cũng đầy tiềm năng phát triển, đặc biệt là khi các công ty nỗ lực nhiều hơn để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sau đại dịch.

Một cuộc khảo sát của McKinsey với các giám đốc điều hành chỉ ra, 24% CEO được hỏi cho biết họ dự báo tăng trưởng sản xuất tại Việt Nam sẽ tăng nhanh hơn hơn bất kỳ địa điểm nào khác ở châu Á.

Năm 2020 chắc chắn sẽ là một năm đầy thách thức với Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung. Dẫu vậy, Việt Nam vẫn có thể hy vọng sự tăng trưởng mạnh mẽ sẽ quay trở lại vào năm 2021.

Nếu tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh trong cộng đồng, thay đổi cấu trúc phù hợp để phát triển kinh tế, đồng thời đầu tư vào công nghệ thông minh của Cách mạng công nghệ 4.0, phát triển hạ tầng cơ sở đồng bộ... có như vậy, Việt Nam không chỉ lấy lại vị thế kinh tế trước Covid-19 mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mới.

Tin Cùng Chuyên Mục