Lớn chưa chắc đã hiệu quả
Agribank vẫn đang là ngân hàng có nhiều chi nhánh và phòng giao dịch nhất hiện nay với hơn 2.200 điểm giao dịch trên khắp cả nước, con số này gấp đôi cả VietinBank lẫn BIDV. Agribank là một trong những ngân hàng thương mại lâu đời nhất ở Việt Nam và có đối tượng khách hàng hướng đến chủ yếu ở vùng nông thôn. Với độ phủ rộng nhất, Agribank cũng là ngân hàng có tổng tài sản, dư nợ cho vay và tiền gửi lớn nhất trong hệ thống.
Đứng sau Agribank, LienVietPostBank là trường hợp khá đặc biệt trong top những ngân hàng có mạng lưới giao dịch lớn nhất hiện nay. Trên thực tế, nhà băng này chỉ có 72 chi nhánh và 260 phòng giao dịch ngân hàng, bằng quy mô ở những ngân hàng như SHB, MB,…Tuy nhiên, ngân hàng hiện còn có thêm hơn 1.300 phòng giao dịch bưu điện, kết quả của việc nhận sáp nhập Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện năm 2011. Tham vọng của LienVietPostBank là thông qua các điểm giao dịch bưu điện này sẽ giúp ngân hàng nhanh chóng bành trướng mạng lưới, có được độ phủ mà có thể phải mất hàng chục năm mới có được, từ đó đẩy mạnh mảng ngân hàng bán lẻ.
Các ngân hàng có nhiều điểm giao dịch sau Agribank và Liên Việt lần lượt là Vietinbank, BIDV, Sacombank. Vietcombank tuy là 1 trong 4 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản, dư nợ cho vay nhưng lại có mạng lưới chỉ đứng thứ 6, ít hơn Sacombank khoảng 50 điểm giao dịch.
Nhóm ngân hàng nhỏ có dưới 100 chi nhánh, phòng giao dịch có thể kể đến những cái tên như TPBank, PGBank, VietCapital Bank, BaoVietbank,...
Mạng lưới giao dịch đồ sộ thực tế đã đem lại nhiều ưu thế vượt trội cho một số nhà băng như tiếp cận được nhiều khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa; gia tăng độ phủ của thương hiệu. Tuy nhiên, cũng vì mạng lưới quá lớn đã đem tới bàn toán rất khó giải quyết về quản lý chi phí.
Nhiều ngân hàng có rất ít điểm giao dịch nhưng lợi nhuận lại không hề khiêm tốn. Những ví dụ điển hình có thể kể đến là TPBank, OCB; 2 nhà băng chỉ có khoảng 75 và 120 điểm giao dịch trên cả nước nhưng lợi nhuận đều nằm trong top 10. TPBank và OCB đều có lợi nhuận nghìn tỷ trong 6 tháng đầu năm, lần lượt đạt 1.024 tỷ và 1.302 tỷ đồng, còn cao hơn những nhà băng có mạng lưới lớn như Sacombank, SHB, Eximbank hay SCB.
Nhà băng đang ăn nên làm ra nhất hiện nay là Vietcombank, dù chỉ có khoảng 500 điểm giao dịch, không bằng một nửa của BIDV hay VietinBank nhưng lợi nhuận dẫn đầu, thậm chí bỏ xa hai ngân hàng này.
Khoảng trống ở các vùng nông thôn
Tại 25 ngân hàng chúng tôi thống kê được có hơn 10.700 chi nhánh, phòng giao dịch. Với hơn 710 quận/huyện/thị xã, ước tính mỗi huyện có khoảng 15-16 điểm giao dịch ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế, các điểm giao dịch ngân hàng hiện nay tập trung phổ biến ở các thành phố lớn. Chẳng hạn, có tới 552 chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước nhưng riêng Tp. Hồ Chí Minh đã có tới 150 điểm giao dịch. Hay những ngân hàng quy mô nhỏ như TPBank, có khoảng 75 chi nhánh phòng giao dịch thì gần 50 điểm tập trung ở 2 thành phố lớn nhất nước Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.
Mạng lưới giao dịch ngân hàng tại các thành phố hiện nay đã khá dày đặc, trên những con phố sầm uất một lúc có thể bắt gặp 4-5 phòng giao dịch ngân hàng. Với sự xuất hiện của quá nhiều ngân hàng như vậy, cuộc cạnh tranh lôi kéo khách hàng ngày càng gay gắt và khó khăn hơn bao giờ hết.
Các điểm giao dịch ngân hàng vẫn đang tiếp tục mở rộng hàng năm, thế nhưng quan sát thấy, tốc độ mở thêm các chi nhánh phòng giao dịch những năm gần đây có phần chậm lại, các ngân hàng thậm chí còn e dè để đến các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Bởi lẽ, hiệu quả hoạt động của một chi nhánh ở các địa phương nông thôn rất thường khó có thể theo kịp với các chi nhánh ở thành phố do kinh tế còn kém phát triển, hoạt động thương mại nghèo nàn và thói quen sử dụng tiền mặt cố hữu. Trong khi các thành phố lớn là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, mật độ dân cư dày đặc, mặt bằng dân cư có trình độ cao dễ thích nghi với phát triển của công nghệ.
Tuy nhiên với 65% dân số Việt Nam sinh sống ở vùng nông thôn, nhiều người dân tại đây còn chưa được tiếp cận với dịch vụ tài chính ngân hàng hoặc rất ít, dự báo thời gian tới những đối tượng này sẽ được các ngân hàng chú trọng hơn, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, việc mở rộng cung cấp dịch vụ tài chính tới các vùng nông thôn sẽ trở nên dễ dàng và tiết kiệm chi phí hơn nhờ công nghệ hiện đại, truyền thông hiệu quả.