Giá lợn hơi trung bình tăng
Giá lợn hơi tăng 10,9% so với tháng trước trong tháng 5 năm 2023, chạm mức cao nhất kể từ đầu năm. Nguyên nhân do sản lượng bán tháo heo chạy dịch từ các hộ nông dân giảm so với những tháng đầu năm và thị trường lo ngại về việc thiếu nguồn cung khi số lượng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong tháng 3 giảm 50% so với năm 2021.
Tại đại hội đồng cổ đông năm 2023 của một số doanh nghiệp sản xuất thịt niêm yết, hầu hết ban lãnh đạo nhóm công ty này đều đưa ra thông điệp tích cực hơn về triển vọng giá lợn hơi. Họ cho rằng những gì khó khăn nhất đã diễn ra trong quý 4 năm 2022 và quý 1 năm 2023 và triển vọng ngành sẽ tích cực hơn từ quý 3/2023.
VnDirect nhận định giá lợn hơi sẽ tăng 9,7% so với quý trước trong quý 2 năm 2023 và cải thiện rõ rệt hơn ở mức 11,6% và 4,0% so với quý trước trong quý 3 và quý 4. Mức giá được dự báo lên mức 62.000-65.000 đồng/kg nhờ nhu cầu tiêu thụ phục hồi và nguồn cung từ các hộ nông dân nhỏ lẻ còn hạn chế tới quý 3. Trong 2023, giá lợn hơi bình quân được kỳ vọng tăng 5% so với cùng kỳ lên mức 59.000 đồng/kg.
Chi phí đầu vào giảm
Giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào chủ yếu để sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam như lúa mì, đậu tương và ngô toàn cầu đã giảm tương ứng 49,8%; 19,7%; 28,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tại thị trường trong nước giá nhập khẩu lúa mì, đậu tương và ngô giảm lần lượng 5,2%; 10%; 5,4% so với cùng kỳ theo giá thế giới. VnDirect kỳ vọng giá nông sản toàn cầu giảm trung bình 7-10% so với cùng trong 2023 dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi có thể giảm 5%.
Theo ước tính, chi phí nguyên liệu thô (ngô, đậu tương và lúa mì) chiếm 80-85% chi phí thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, chi phí thức ăn chăn nuôi hiện chiếm 50% chi phí sản xuất trong chăn nuôi. Việc giảm chi phí đầu vào sẽ giúp các doanh nghiệp cải thiện kết quả kinh doanh so với năm 2022.
Cửa sáng le lói
Tuy nhiên công ty chứng khoán này đánh giá vẫn có nguy cơ giá nông sản toàn cầu có thể tăng trở lại do căng thẳng Nga-Ukraine leo thang cũng như điều kiện thời tiết không thuận lợi ở một số quốc gia xuất khẩu chính. Do đó, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất thịt ghi nhận cải thiện 1,0-1,5 điểm % trong năm 2023. Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp cũng đặt kế hoạch lợi nhuận thận trọng trong năm nay như CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (mã: VSN) giảm 2%, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã: HAG) tăng 0,4% và CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam tăng 5% so với cùng kỳ.
Thực tế kết quả kinh doanh quý 1 năm 2023 cũng phản ánh hướng đúng kế hoạch thận trọng của các doanh nghiệp. Điển hình như hai doanh nghiệp lớn trong ngành là CTCP Tập đoàn DABACO (mã: DBC) và CTCP Nông nghiệp Hòa Phát (Mảng nông nghiệp của Hòa Phát) ghi nhận doanh thu mảng chăn nuôi giảm lần lượt là 18,5% và 2,4% so với cùng kỳ do nhu cầu tiêu thụ yếu và giá heo giảm 5,2%.
Cũng có trường hợp ngoại lệ như Hoàng Anh Gia Lai, doanh thu mảng chăn nuôi tăng 109% so với cùng kỳ trong quý 1 do mức nền thấp trong quý 1 năm 2022. Công ty đã bắt đầu thâm nhập sâu hơn vào ngành sản xuất thịt bằng việc tung ra sản phẩm Heo ăn chuối từ quý 3 năm 2022.
Doanh thu mảng chăn nuôi của BAF cũng tăng 16,2% trong quý 1 vừa qua chủ yếu nhờ vào việc mở rộng công suất của các trang trại mới và hệ thống phân phối so với năm trước. BAF phân phối thịt với thương hiệu "BAF Meat" từ tháng 7 năm 2022 tại tất cả hệ thống siêu thị Siba food.