Năm 2023, BAF đặt mục tiêu doanh thu thuần 6.914 tỷ đồng, tăng 16%, lãi sau thuế 301 tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện năm 2022, sản lượng heo bán ra dự kiến 348.770 con, tăng 14% so với thực hiện năm 2022.
Trong quý 1, BAF ghi nhận doanh thu 7.085 tỷ đồng, vượt kế hoạch, lợi nhuận 287 tỷ đồng, hoàn thành hơn 71% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Nói về dự báo giá heo hơi, ông Bá cho biết, trước quý 2/20222, giá nguyên liệu tăng 30-40%, ảnh hưởng đến giá đầu vào, hiện xu hướng giá nguyên liệu đã giảm, 2 tháng gần đây giảm 25% và dự kiến sẽ tiếp tục giảm thời gian tới. Dự báo đến giữa năm 2024 thì quay về mặt bằng chung trước dịch.
Công ty cho rằng, giá heo hơi đang trong quá trình hồi phục, bởi nguồn cung dài hạn đã giảm nhiều do dịch tả lợn châu Phi. Dự báo đến cuối tháng 5, giá heo hơi sẽ lên vùng trên 60.000 - 65.000 đồng/kg.
Ông Sỹ Bá cho biết, dịch bệnh, giá thấp, thua lỗ khiến nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ đàn…. Và đây là cơ hội cho chăn nuôi công nghiệp phát triển, trong đó có BAF.
“Trước đây, các hộ nhỏ lẻ chiếm đến 70% chăn nuôi nhưng do dịch bệnh nên tỷ trọng này giảm. BAF đang đón sóng này, lấy thêm được thị phần từ các hộ nhỏ lẻ, chưa cạnh tranh với các công ty chăn nuôi quy mô lớn. Từ hồi dịch đến nay, theo BAF khảo sát thì tổng đàn heo của Việt Nam mất đi 20-25%. Chắc chắn giá sắp tới sẽ tăng”, ông Bá khẳng định.
Giá heo giao dịch quanh vùng đáy đã khiến nông hộ bán ra ồ ạt và hạn chế việc tái đàn, nông hộ phụ thuộc vào con giống nên giá vốn lên đến 53.000 - 54.000đ/kg. BAF thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học, hạn chế tối đa được dịch bệnh, giá vốn chỉ quanh mức 45.000đ/kg.
Khi thị phần nhỏ lẻ giảm dần thì cuộc cạnh tranh trong tương lai sẽ rất khốc liệt. Theo đó, Công ty sẽ phải hoàn thiện chuỗi khép kín Farm, Food và Feed, chế biến sau giết mổ và xây dựng chuỗi bán lẻ để đón sóng tăng giá heo trong thời gian sắp đến.
Chia sẻ với cổ đông về tình hình ngành heo cũng như dịch tả lợn châu Phi, ông Bá cho biết, dịch tả lợn châu Phi hoành hành tại Việt Nam từ năm 2019 đến nay và nhấn mạnh là chưa có vắc xin chính thức. Hiện có nhiều bên dùng vắc xin, nhưng chưa có kiểm định rõ ràng nên BAF không dùng. Thay vào đó, BAF chú trọng nuôi bằng công nghệ sinh học, tăng sức đề kháng con heo.
Ông Bá cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp bán thịt được nhiều, nhưng do phụ phẩm nhiều chưa xử lý được nên vẫn lỗ. Trước đây, các doanh nghiệp này cấp đông phụ phẩm, nhưng đang bị cạnh tranh với các công ty ngoại, và cũng không thể cấp đông được. Do đó, với phân khúc thịt mát, BAF tính toán lại việc đầu tư nhà máy…, vì đầu tư ra nhưng công suất không thể lấp đầy nhanh sẽ ngốn chi phí, ảnh hưởng đến lợi nhuận Công ty.
Công ty định hướng đẩy nhanh đưa vào vận hành 7 trang trại và tiếp tục khởi công thêm 6 trang trại theo chiến lược mở rộng quy mô chuồng trại. Dự kiến tổng đàn cuối năm 2023 sẽ đạt 337.000 đầu heo, tăng gấp đôi so với cùng kỳ.
Triển khai chuỗi liên kết với người chăn nhỏ lẻ bao gồm cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, an toàn sinh học cho các trang trại và thu mua sản phẩm của người nông dân. Tăng cường bán thịt lẻ mảnh thông qua kênh thương lái để tối đa hóa lợi nhuận. Bán cám kèm con giống nhằm tối ưu công suất nhà máy cám.
Về kế hoạch mở rộng, dự kiến tối đa đến giữa năm 2024, công ty còn 3 dự án lớn quy mô 50.000 con nái hoặc 30.000 con thịt. Đến cuối 2025, tổng đàn lên tới 90.000 heo nái và 2,2 triệu heo thương phẩm.
Tại Đại hội, Công ty bổ sung kế hoạch cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 17%, tương ứng phát hành thêm 24,4 triệu cổ phiếu, nguồn vốn thực hiện là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Bên cạnh đó, Đại hội cũng thông qua việc phát hành 7,17 triệu cổ phiếu ESOP, tương ứng tỷ lệ 5%, giá phát hành bằng mệnh giá.
Đồng thời, BAF sẽ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 100:47 (47,677%), giá bán 10.000 đồng/cổ phần. Tổng số tiền thu về dự kiến là 750 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên 2.435 tỷ đồng.
Số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ phân bổ 400 tỷ đồng bổ sung vốn phục vụ hoạt động kinh doanh nông sản; 119,15 tỷ đồng tăng vốn điều lệ tại các công ty con để thực hiện đầu tư xây dựng dự án trang trại chăn nuôi heo và bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh; và 165,1 tỷ đồng bổ sung vốn phục vụ hoạt động chăn nuôi heo.
Đại hội cũng tiến hành miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với ông Phan Ngọc Ấn do có đơn xin từ nhiệm. Được biết, ông Phan Ngọc Ấn giữ chức Chủ tịch HĐQT BaF Việt Nam từ ngày 2/3/2021, đồng thời sở hữu lên tới 30% vốn điều lệ tại BaF Việt Nam (ngày 30/6/2021).
Tuy nhiên, sau khi cổ phiếu BAF niêm yết sàn HoSE, ông Phan Ngọc Ấn liên tục bán ra và tính tới cuối năm 2022, ông Phan Ngọc Ấn đã thoái ra toàn bộ và không sở hữu cổ phần nào tại BaF Việt Nam. Ngày 15/3/2022, BaF Việt Nam thực hiện miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐQT đối với ông Phan Ngọc Ấn và đồng thời bầu bổ sung ông Trương Sỹ Bá vào vị trí Chủ tịch HĐQT.