Ngày pháp luật

Luật Giao thông đường bộ sửa đổi: Lùi sang Quốc hội khóa 15 xem xét?

Theo Tiền Phong

Những tràng pháo tay nổi lên khi đại biểu Quốc hội đề nghị xin ý kiến về việc có nên tách Luật Giao thông đường bộ ra làm hai luật hay không, rồi mới quyết định có nên cho ý kiến về dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ hay không.

Đề nghị lùi sang Quốc hội khóa 15

Thảo luận tại phiên họp sáng 16/11, rất nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình với việc tách Luật Giao thông đường bộ ra thành hai luật. Dự án Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) được đề xuất tách ra thành hai luật là: Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Việc có nên tách thành hai dự án luật như vậy hay không đã nhận được rất nhiều ý kiến của các đại biểu tại phiên thảo luận tổ trước đó.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng

Theo đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên), dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi chưa tuân thủ đầy đủ các trình tự thủ tục của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Việc đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe trong báo cáo đánh giá tác động không chỉ ra bất cập, nhất là báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật GTĐB cũng không chỉ ra những bất cập mà cần có sửa đổi bổ sung hoặc chuyển cơ quan khác cấp phép đào tạo sát hạch.

“Trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 được Quốc hội thông qua, tên của luật là dự án Luật GTĐB sửa đổi, nay tách thành 2 dự án luật. Việc này chưa có báo cáo Quốc hội một cách đầy đủ. Như vậy tên Luật GTĐB sửa đổi còn nguyên nghĩa không?”, đại biểu Dung nhấn mạnh và cho rằng, nên để dự án luật này trình Quốc hội khoá 15. Đề xuất này của đại biểu nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội.

Chung quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đề nghị không tách luật, không chuyển đào tạo cấp phép lái xe sang cho Bộ Công an, vì điều này gây xáo trộn và không cần thiết. “Tôi nhiều lần đi taxi, hỏi lái xe thì không mấy ai đồng ý về việc chuyển đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe sang cho Bộ Công an”, đại biểu Nghĩa cho hay.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng, trong giao thông, việc tách các thành phố ra sẽ trở nên khô cứng, vô nghĩa. “Làm cầu mà không tính đến yếu tố an toàn thì chỉ là vật vô tri vô giác; làm ô tô, xe máy mà không tính đến vấn đề lưu thông, an toàn cho phương tiện thì chỉ là xe trưng bày trong triển lãm. Nếu tách ra thành hai luật sẽ gây rất nhiều hệ lụy khó khăn”, ông Sinh nói.

Đồng tình chưa tách thành hai luật riêng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đánh giá, điều này không hợp lý và chưa đúng tinh thần Nghị quyết 18.

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, tách ra làm hai luật chưa đảm bảo tính tổng thể, thống nhất. Bên cạnh đó, chuyển cấp phép lái xe sang Bộ Công an cũng chưa phù hợp. Thậm chí, ông còn đề nghị cân nhắc, không nên giao cho Ủy ban Quốc phòng an ninh, mà nên giao cho Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Ủy ban Tư pháp hay Ủy ban Pháp luật.

Trước rất nhiều ý kiến đưa ra, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cùng một số đại biểu khác đề nghị xin ý kiến Quốc hội về việc có nên tách luật ra làm hai luật không. Trường hợp đại biểu đồng ý tách thì chiều nay sẽ bàn Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, còn nếu không đồng ý tách thì dừng lại. Đề xuất này nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành với những tràng vỗ tay sau đó.

“Đây là một luật đi vào lịch sử khi chỉ có một đại biểu ủng hộ, còn lại đa số đại biểu phản đối”, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị kiểm điểm trách nhiệm, vì làm mất thời gian của Quốc hội.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể

Xin Quốc hội hai nội dung

Trước nhiều ý kiến đặt ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, việc đưa 2 luật ra thảo luận không vi phạm quy trình. Ủy ban Thường vụ đã xin ý kiến Quốc hội và đã nhất trí chương trình kỳ họp, nhất trí thảo luận 2 luật đồng thời để có suy nghĩ cho chắc chắn. Bà Phóng đề nghị chiều nay Quốc hội vẫn tiếp tục thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

“Tuy có tiếng vỗ tay trong hội trường nhưng nhiều người vẫn chưa bày tỏ chính kiến, vẫn còn ý kiến khác nhau. Có thể có những vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, năng lực quản lý nhà nước, cán bộ, nâng cao năng lực quản lý hạ tầng… Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước nữa nên chiều vẫn thảo luận”, bà Phóng nhấn mạnh.

Tại phiên họp, một số đại biểu trong Ủy ban Quốc phòng an ninh – cơ quan soạn thảo đề án này cũng đăng ký tranh luận lại với các các đại biểu đã nêu trước đó.

Giải trình, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, chiều nay, khi cho ý kiến về Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Chính phủ sẽ giải trình kỹ hơn về việc tách ra làm hai dự án luật.

Chốt lại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, chiều nay Quốc hội vẫn tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ theo kế hoạch. Sau khi cho ý kiến về dự án luật này, Ủy ban Thường vụ sẽ xin ý kiến Quốc hội có nên tách ra làm hai luật hay không, và có nên để lại sang nhiệm kỳ thứ 15 hay không.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục