Liên tục giải thể các công ty con
CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã CK: KDH) mới đây đã công bố Nghị quyết HĐQT thông qua việc giải thể hai công ty con gián tiếp là CTCP Phát triển Bất động sản Nguyên Thư và Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Liên Minh. Hai đơn vị này do công ty con của Khang Điền trực tiếp sở hữu.
Bất động sản Nguyên Thư thuộc sở hữu của Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Nam Phú (Khang Điền sở hữu 99% vốn). Nguyên Thư được thành lập ngày 2/12/2020 với vốn điều lệ 400 tỷ đồng. Địa chỉ chính đặt tại Tòa nhà Vietoffice, số 481 Điện Biên Phủ, phường 3, quận 3, TPHCM.
Vào ngày 5/10/2021, nhóm Khang Điền đã hoàn tất việc nhận chuyển nhượng 99,9% lợi ích vốn chủ sở hữu từ Nguyên Thư với giá phí là 419 tỷ đồng. Đây là nguyên chính đem về cho Khang Điền khoản lợi nhuận khác hơn 207 tỷ đồng trong quý 4/2021 từ giao dịch mua rẻ.
Bất động sản Liên Minh thuộc sở hữu của CTCP Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Trí Minh (Khang Điền sở hữu 99,8% vốn). Liên Minh được thành lập ngày 13/06/2014. Vốn điều lệ tại thời điểm cuối năm 2022 là 100 tỷ đồng do Khang Điền nắm 99,7% vốn.
Quyết định giải thể công ty con không còn xa lạ với Khang Điền. Vào ngày 23/12/2022, Nhà Khang Điền cũng đã giải thể Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Phú Hải thuộc sở hữu của Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Kim Phát (Khang Điền nắm 99,9% vốn).
Trước đó, vào tháng 9/2022, Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Saphire (Khang Điền sở hữu 99,9% vốn) cũng đã giải thể Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Nam Thông do Saphire sở hữu 99,9% vốn.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023, tại thời điểm 31/3/2023, Khang Điền có 28 công ty con, trong đó có 13 công ty con sở hữu trực tiếp và 15 công ty con sở hữu gián tiếp. Như vậy, sau khi giải thể 2 công ty con gián tiếp trên, Khang Điền còn sở hữu 26 công ty con.
Lợi nhuận tụt dốc, dòng tiền âm nặng
Trong quá khứ, hoạt động mua rẻ từng không ít lần trở thành cứu cánh đối với Khang Điền. Tuy nhiên trong quý đầu năm, nguồn thu này sụt giảm đã khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bất động sản này lao dốc.
Quý đầu năm, Khang Điền ghi nhận doanh thu đạt 425 tỷ đồng, tăng 198% so với cùng kỳ. Sau khi trừ giá vốn, lợi nhuận gộp đạt 254,5 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Khang Điền lại giảm 32,9% so với cùng kỳ xuống còn 201 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính là do sụt giảm mạnh lợi nhuận khác gần 293 tỷ đồng. Theo thuyết minh, quý đầu năm doanh nghiệp bất động sản này không ghi nhận lãi từ giao dịch mua rẻ trong khi cùng kỳ lãi 308 tỷ đồng. Khoản này đến từ phần chênh lệch giữa sở hữu của nhóm công ty trong giá trị hợp lý của tài sản thuần có thể xác định được cao hơn giá phí khoản đầu từ vào CTCP Đầu tư Bất động sản Phước Nguyên (nhận chuyển nhượng 60% vốn điều lệ).
Năm 2023, Khang Điền lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu 3.100 tỷ đồng, tăng 6,5% nhưng mục tiêu lợi nhuận sau thuế lại giảm 9,3% so với cùng kỳ, xuống 1.000 tỷ đồng. Với kết quả đạt được quý đầu năm, công ty đã thực hiện được 20% mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Không chỉ lợi nhuận giảm mạnh, Khang Điền còn gặp vấn đề lớn với dòng tiền kinh doanh. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh quý đầu năm tiếp tục âm 1.017 tỷ đồng, cùng kỳ cũng âm 480 tỷ đồng. Trước đó, trong 2 năm 2021 và 2022, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản này đều âm nặng, lần lượt 2.010 tỷ và 1.047 tỷ đồng.
Tính cuối quý 1, tổng tài sản của Khang Điền đã giảm 3,7% so với đầu năm, xuống mức 20.748 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 12.656 tỷ đồng, chiếm 61% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 5.535,6 tỷ đồng, chiếm 26,7% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 1.479 tỷ đồng, chiếm 7,1% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Đáng chú ý, lượng tiền và tương đương tiền đã giảm gần 1.300 tỷ đồng so với đầu năm do kinh doanh thâm hụt dòng tiền và giảm nợ vay. Thời điểm cuối quý 1, tổng nợ vay tài chính của Khang Điền đã giảm 4,5% so với đầu năm xuống mức 6.468 tỷ đồng và tương đương gần 1/3tổng nguồn vốn.