Kinh doanh tụt dốc cùng dòng tiền âm nặng
Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (mã CK: KDH) đã công bố BCTC quý 4/2022 và luỹ kế cả năm 2022 với riêng quý 4 doanh thu thuần đạt 1.234 tỷ đồng, tăng cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ.
Tuy nhiên giá vốn hàng bán chiếm tới 76% trong doanh thu thuần khiến lãi gộp chỉ còn hơn 298 tỷ đồng, giảm 38,6% so với quý 4/2021. Biên lãi gộp giảm từ 82,2% xuống chỉ còn 24%.
Trong kỳ, KDH thu về hơn 9 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng 2 tỷ đồng so với cùng kỳ, chi phí tài chính tăng mạnh từ 5,4 tỷ đồng lên hơn 29 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm mạnh từ 112 tỷ đồng xuống còn hơn 42 tỷ đồng, chi phí QLDN tăng nhẹ. Đáng chú ý hoạt động khác chỉ còn lãi 1,4 tỷ đồng giảm mạnh so với con số 207 tỷ đồng trong quý 4/2021.
Kết quả lợi nhuận sau thuế của Nhà Khang Điền đạt 110,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ là gần 119 tỷ đồng, giảm 71,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế cả năm 2022, Khang Điền ghi nhận tổng doanh thu 2.912 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.081,2 tỷ đồng, giảm lần lượt 22,1% và 10,24% so với cùng kỳ 2021, tương ứng hoàn thành 73% kế hoạch doanh thu và 77,23% chỉ tiêu lợi nhuận cho đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4 năm ngoái.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Khang Điền đạt 21.632 tỷ đồng, tăng 50,4% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng gấp đôi lên 2.752,1 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 26,1% lên 5.303,2 tỷ đồng, hàng tồn kho tăng 61% lên gần 12.440,6 tỷ đồng.
Hiện Khang Điền có hơn 6.771 tỷ đồng nợ vay, tăng tới 4.218 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó phần lớn là khoản vay Ngân hàng OCB (3.275,7 tỷ đồng) và VietinBank (2.138 tỷ đồng), 1.100 tỷ đồng trái phiếu.
Người mua trả tiền trước là 987,5 tỷ đồng cao gấp 6,4 lần đầu kỳ. Đây là khoản mục thường được giới đầu tư xem xét và đánh giá khả năng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trong tương lai.
Trong cả năm 2022, Nhà Khang Điền ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm hơn 1.824 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm gần 19,7 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương hơn 3.230 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ. Con số này cho thấy trong năm 2022, Khang Điền đã tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh chính.
KDH có khả năng phải "chia tay" rổ VN30 trong năm 2023
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đã công bố rổ chỉ số VN30 kỳ tháng 1/2023, hiệu lực từ ngày 6/2 đến ngày 4/8/2023, theo đó cổ phiếu KDH đã chính thức bị loại khỏi rổ chỉ số VN30.
Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán VNDIRECT đã đưa ra dự phóng cổ phiếu BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex) có khả năng được đưa vào rổ VN30 trong đợt đánh giá này. Ở chiều ngược lại, KDH của Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền có thể bị loại khỏi bộ chỉ số.
Theo VNDIRECT, cổ phiếu BCM với tỷ lệ tự do chuyển nhượng trên 3% sẽ giúp giá trị vốn hóa điều chỉnh freefloat trung bình năm 2022 lớn hơn mức 2.500 tỷ đồng để đáp ứng yêu cầu vào chỉ số VN30 trong kỳ xem xét này.
Trong khi KDH hiện đang là cổ phiếu có mức vốn hoá thị trường điều chỉnh freefloat bình quân năm 2022 bé nhất, xấp xỉ 24.500 tỷ đồng, do đó sẽ có khả năng sẽ có thể bị loại.
Freefloat sẽ được HoSE tính toán lại với dữ liệu sở hữu được cập nhật vào ngày 31/12/2022. Nếu freefloat mới của BCM thấp hơn ước tính của VNDIRECT là dưới 3% thì cổ phiếu này sẽ không đáp ứng yêu cầu để lọt rổ VN30. Với kịch bản này, đội ngũ phân tích cho rằng danh mục VN30 có thể không thay đổi.
Hiện các quỹ ETF sử dụng chỉ số VN30 làm tham chiếu có tổng giá trị tài sản ròng đạt mức 8.605 tỷ đồng. VDIRECT dự phóng các quỹ có thể mua mới hơn 294 nghìn cổ phiếu BCM đồng thời bán ra khoảng 3,8 triệu cổ phiếu KDH.