Ngày pháp luật

Liên tiếp đóng cửa một loạt cửa hàng sau khi ồ ạt mở, Pharmacity tiếp tục bị xử phạt vì bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc

Quỳnh Chi

Nhà thuốc Pharmacity số 566 (72-74 Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã bị Sở Y tế Hà Nội phạt 30 triệu đồng vì bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc.

Tiếp tục bị xử phạt vì bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc

Mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành công khai danh sách xử phạt vi phạm hành chính với các cơ sở trên địa bàn. Theo danh sách này, từ ngày 24/4/2023 đến ngày 27/4/2023 Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra, xử phạt hành chính 22 cơ sở kinh doanh dược; cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tổng số tiền mà đơn vị này xử phạt các đơn vị là hơn 315 triệu đồng.

Liên tiếp đóng cửa một loạt cửa hàng sau khi ồ ạt mở, Pharmacity tiếp tục bị xử phạt vì bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc - Ảnh 1

Với đợt thanh tra, xử phạt này, các lỗi chủ yếu các đơn vị thường gặp như Quảng cáo dịch vụ đặc biệt (khám bệnh, chữa bệnh) mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung; Cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện; Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động,… và đặc biệt là hành vi vi phạm về bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc.

Đáng chú ý, ngoài các cơ sở khám chữa bệnh, thẩm mỹ bị xử phạt số tiền lên đến 45 triệu đồng, đứng đầu trong danh sách xử phạt nặng nhất đối với các cơ sở kinh doanh dược là một nhà thuốc thuộc hệ thống nhà thuốc Pharmacity.Theo đó, ngày 27/4/2023, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành quyết định số 201/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính số tiến 30 triệu đồng đối với cơ sở Nhà thuốc Pharmacity số 566 trực thuộc chi nhánh Công ty cổ phần Pharmacity. Đây là cơ sở có địa chỉ tại số 72-74 Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cơ sở đã có hành vi vi phạm bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc.

Theo công bố thông tin, Nhà thuốc Pharmacity số 566 thuộc hệ thống các cửa hàng thuốc của Công ty cổ phần Dược phẩm Pharmacity. Người đại diện hợp pháp của cơ sở Nhà thuốc Pharmacity số 566 là bà Nguyễn Thị Minh Trâm, trình độ chuyên môn dược sỹ đại học.

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên các cơ sở của hệ thống này bị xử phạt. Trước đó, ngày 16/05/2022 Sở Y tế Hà Nội đã thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và Giấy chứng nhận “Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc” GPP của một Nhà thuốc Pharmacity tại Hà Nội.

Cụ thể, qua kiểm tra, nhà thuốc Pharmacity số 570 (Số 6-NV1 khu nhà ở cho cán bộ nhân viên Bệnh viện 103-Học viện Quân Y, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội), thuộc Chi nhánh Công ty CPDP Pharmacity tại Hà Nội do DSĐH Bạch Thúy Anh phụ trách chuyên môn đã không đảm bảo duy trì các điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định tại Mục 2 Điều 40 của Luật Dược số 105/2016/QH13 ngày 06/4/2016.

Vì vậy, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược số 03-7750/ĐKKDD-HNO do Sở Y tế Hà Nội cấp ngày 28/10/2020; Giấy chứng nhận GPP số 7750/GPP do Sở Y tế Hà Nội cấp ngày 28/10/2020 của Nhà thuốc Pharmacity số 570 do DSĐH Bạch Thúy Anh chịu trách nhiệm chuyên môn. Kể từ ngày 16/05/2022 Nhà thuốc Pharmacity số 570 không được phép kinh doanh thuốc tại địa điểm trên.

Trước đó, ngày 5/5/2022, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM thông tin đã ra quyết định xử phạt Công ty cổ phần dược phẩm Pharmacity (số 248A đường Nơ Trang Long, phường 12, quận Bình Thạnh, TP.HCM) do đã tổ chức bán một số loại thuốc thuộc nhóm thuốc kê đơn cho khách hàng dù những người này không xuất trình được đơn thuốc. Với hành vi này, Sở Y tế TP.HCM xử phạt vi phạm hành chính Pharmacity số tiền 30 triệu đồng.

Đóng cửa hàng loạt cửa hàng sau khi ồ ạt mở, Pharmacity làm ăn ra sao?

Được thành lập vào năm 2011, chuỗi Pharmacity hiện đang dẫn đầu thị trường về số lượng cửa hàng. Không chỉ phát triển hệ thống cửa hàng, chuỗi nhà thuốc Pharmacity của Công ty Cổ phần Dược phẩm Pharmacity còn mở rộng quảng bá các sản phẩm đang bày bán tại nhà thuốc trên nhiều kênh thông tin đại chúng như Facebook, Youtube, Website.

Liên tiếp đóng cửa một loạt cửa hàng sau khi ồ ạt mở, Pharmacity tiếp tục bị xử phạt vì bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc - Ảnh 2

Chuỗi Pharmacity vốn nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Tập đoàn đầu tư của Hàn Quốc là SK Group. Năm ngoái, bộ máy thượng tầng của Pharmacity đã có sự biến động.

Nhà sáng lập chuỗi nhà thuốc Pharmacity là ông Christopher Randy Stroud (Chris Blank) đã không còn là người đại diện pháp luật của chuỗi dược phẩm này, người thay thế là ông Nguyễn Như Nam, một nhân sự cấp cao thuộc Tập đoàn SK (SK Group). Hồi tháng 9/2022, chuỗi dược phẩm đã có lãnh đạo mới là CEO Trần Tuệ Tri.

Trong thời điểm có sự thay đổi về nhân sự ở cấp lãnh đạo, chuỗi Pharmacity đã ghi nhận quy mô cửa hàng sụt giảm liên tục. Cụ thể, tính đến 30/6/2022, Pharmacity ghi nhận 1.118 cửa hàng. Trong quý III/2022, chuỗi này còn 1.073 nhà thuốc và tính đến 31/12/2022, chuỗi này chỉ còn 1.017 cửa hàng trên toàn quốc.

Dù bán lẻ dược phẩm là thị trường có dư địa tăng tăng trưởng lớn, nhưng cạnh tranh trong ngành rất quyết liệt. Điều này có thể thấy được qua việc chuỗi cửa hàng thuốc Pharmacity thu hẹp từ con số 1.100 cửa hàng vào cuối năm 2022 xuống còn 936 nhà thuốc vào cuối tháng 3. Như vậy, Pharmacity đã giảm khoảng 164 cửa hàng bán lẻ chỉ trong vòng một quý.

Doanh thu thuần từ bán thuốc của Pharmacity năm 2022 tăng 77% so với năm 2021, trong đó, tăng đột biến vào những tháng cuối năm. Sự tăng trưởng mạnh này được ghi nhận ngay khi áp dụng "Medicine First" - chương trình đầu tiên của chiến lược "Đổi mới toàn diện".

Trước đó, Pharmacity từng đặt mục tiêu chạm mốc 5.000 cửa hàng vào năm 2025, đặt mục tiêu doanh thu 1,5 tỷ USD.

Chuỗi này cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt số lượng 5000 nhà thuốc, cung cấp dịch vụ bán lẻ dược phẩm chất lượng cao, mang đến cho 50% người dân Việt Nam cơ hội tiếp cận các nhà thuốc Pharmacity chỉ trong vòng 10 phút lái xe.

Kế hoạch đầy tham vọng này kỳ vọng mang về cho Pharmacity doanh thu hơn 3 tỷ USD và tạo việc làm cho hơn 35.000 người dân Việt Nam.

 

Theo điểm d, khoản 16 Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2021 và điểm g khoản 4 Điều 59, Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực Y tế: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi "g) Bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc."

Theo Điểm đ khoản 8 Điều 59 cũng quy định hình thức xử phạt bổ sung với hành vi tại điểm đ khoản 3 Điều 59, Nghị định 117/2020/NĐ-CP về “Bán vắc xin hoặc bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc” là: "Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 6 tháng đến 9 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm đ, i khoản 3 và điểm c khoản 5 Điều này".

Tin Cùng Chuyên Mục