Cụ thể, tại chương trình Shark Tank Viet Nam (Thương vụ bạc tỷ) phát trên sóng truyền hình VTV3, đại diện công ty TNHH sản xuất thương mại I AM V (trụ sở chính TP.HCM) chuyên các sản phẩm từ tỏi đã giới thiệu sản phẩm của mình và kêu gọi vốn đầu tư, mở rộng.
Trong phần giới thiệu, bà Lê Minh Hồng Phúc - đồng sáng lập công ty - cho biết sản phẩm đem về doanh thu cao nhất là tỏi đen cô đơn Lý Sơn, mỗi sản phẩm có giá là 120 ngàn đồng/hũ (1 gram - PV) và 1,2 triệu/kg.
Ngay lập tức, một Shark hỏi “tháng vừa rồi em bán được bao nhiêu sản phẩm đấy?”, thì bà Phúc nói rằng đã bán được 300 kg và thu vào khoảng 550 triệu.
|
Bà Lê Minh Hồng Phúc trong chương trình Thương vụ bạc tỷ - Ảnh cắt VTV |
Không chỉ vậy, bà Phúc cho biết, công ty còn có một vùng trồng nguyên liệu ngay tại đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Điều đáng nói, là trên tấm baner có dòng chữ “Nguồn gốc Tỏi Lý Sơn 100% lên men tự nhiên”.
Liên hệ với một số người dân tại “Vương quốc tỏi” Lý Sơn, nhiều người khẳng định rằng, những lời giới thiệu đó là sai sự thật, lấy thương hiệu tỏi Lý Sơn để trục lợi.
“Không chỉ những lời giới thiệu đó mà qua hình ảnh cho thấy, sản phẩm tỏi cô đơn đó không phải là tỏi Lý Sơn. Vì tỏi Lý Sơn không to và nhiều như vậy được” - bà Thọ (ngụ xã An Vĩnh) bức xúc.
|
Hũ sản phẩm tỏi đen Lý Sơn được giới thiệu bán với giá 120 ngàn |
Một người dân khác cũng nói thêm, tỏi khô cô đơn trên đảo khá hiếm và giá thành cao. “Tỏi cô đơn tại đảo có giá giao động từ 1,1 triệu đến 1,2 triệu rồi mà công ty kia bán tỏi đen cô đơn thành phẩm như giá gốc thì có vấn đề”.
Trao đổi vấn đề này, anh Trần Minh Quang - Quản lý kinh doanh công ty I AM V, cho biết, đã ngừng kinh doanh sản phẩm tỏi Lý Sơn vào cuối năm 2017.
“Vùng nguyên liệu Lý Sơn vốn dĩ là chúng tôi có hợp tác với hai nông dân ở Lý Sơn. Chúng tôi có cung cấp giống cho hai người này trồng và họ cung ứng lại cho bên công ty. Tuy nhiên, số lượng ít và thời gian gần đây, chất lượng không được tốt như ngày xưa, nên chúng tôi ngưng lại, không làm nữa”.
“Tôi hay Phúc hoặc ai đó không trực tiếp đi thu mua mà có nhân viên ngoài đó thu mua. Mỗi lần mua thì mua của rất nhiều người. Có mấy người bán ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và mỗi lần thu mua như vậy tầm khoảng được 400-500gram nên thu tất cả về tầm chục ký” - anh Quang nói.
Khi phóng viên đặt câu hỏi, trước nhiều luồng ý kiến cho rằng bên công ty bán được 300kg tỏi cô đơn Lý Sơn/tháng thì anh Quang khẳng định, không chỉ có mỗi tỏi cô đơn Lý Sơn mà còn có rất nhiều loại tỏi nơi khác cộng vào mới được 300 kg/tháng.
Theo tìm hiểu của PV, mặc dù đã ngừng kinh doanh tỏi Lý Sơn vào cuối 2017, tuy nhiên, trên các phưong tiện truyền thông, quảng bá (mạng xã hội, website của công ty này) vẫn còn vịn vào 2 từ “Lý Sơn” để rao bán hàng.
|
Công ty này từng xuất hiện trên chương trình VTV6 và bị người dân địa phương phản đối, cho rằng không phải tỏi cô đơn Lý Sơn |
Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, nhận định đó không phải là tỏi cô đơn trên đảo. Ngoài ra, bà Hương cũng cho biết, hiện trên đảo Lý Sơn chưa có thỏa thuận hay giao vùng đất nào cho đơn vị hoặc công ty để làm vùng nguyên liệu sản xuất tỏi.
Trước những thông tin gây hoang mang cho người tiêu dùng và quyền lợi của người sản xuất, UBND huyện Lý Sơn đã có văn bản yêu cầu công ty TNHH SXTM I AM V, Đài truyền hình Việt Nam chỉ đạo Ban biên tập chương trình Thương vụ bạc tỷ khẩn trương đính chính và chi Cục quản lý Thị trường TP.HCM quan tâm kiểm tra, xử lý.
Theo thống kê năm 2017, sản lượng tỏi Lý Sơn đạt hơn 2.000 tấn; năm 2018 là 2.400 tấn. Trung bình mỗi năm, toàn đảo Lý Sơn có khoảng trên dưới 500kg tỏi cô đơn.
|
Huyện Lý Sơn tổ chức gôm tỏi, mang vào đất liền "giải cứu" giúp người dân |
Trong diễn biến liên quan, hiện nay, tỏi thường (tỏi tép) trên đảo Lý Sơn bị rớt giá kỷ lục. So với những năm trước, tỏi khô Lý Sơn có giá từ 80-100 ngàn/ký. Năm nay chỉ còn 35 ngàn/kg.
Theo huyện Lý Sơn, nguyên nhân một phần là do người dân trộn tỏi từ nơi khác vào góp phần rớt giá. Không những thế, nhiều đơn vị, công ty kinh doanh tỏi cũng giả danh “mượn” tdanhtỏi Lý Sơn để bán được hàng.