Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên & Môi trường) vừa thành lập đoàn kiểm tra việc quản lý sử dụng đất tại dự án sân golf Đại Lải và sân golf Heron Lake Golf Camp & Resort (Đầm Vạc), đồng thời kiểm tra xác minh thông tin phản ánh của báo chí về sai phạm trong quản lý sử dụng đất tại hồ Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc.
Với 2 dự án sân golf, đoàn công tác sẽ làm rõ về kiểm thực việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất cũng như xem xét việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, nghĩa vụ tài chính. Bên cạnh đó, đoàn công tác cũng kiểm tra việc đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Với các thông tin phản ánh về sai phạm trong quản lý sử dụng đất tại hồ Đại Lải, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ báo cáo, cung cấp hồ sơ pháp lý và tình hình quản lý, sử dụng đất của các tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu sai phạm cho đoàn kiểm tra. Trong khi đó, UBND thành phố Phúc Yên có trách nhiệm phát hiện, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đất đai.
Đoàn kiểm tra do Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai Nguyễn Văn Trị làm trưởng đoàn và thực hiện nhiệm vụ trong 15 ngày. Kết quả kiểm tra sẽ được thông báo cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc để thống nhất chỉ đạo, triển khai.
Trước đó, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng ban hành kết luận kiểm tra các hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ Đại Lải. Cơ quan này cho biết, các doanh nghiệp san nền, đổ đất, đắp đường ngăn hồ... trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải là vi phạm luật thủy lợi. Trong khi đó, hồ Đại Lải có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho Phúc Yên và 2 xã thuộc huyện Sóc Sơn (Hà Nội).
Kết luận chỉ rõ, trong 4 doanh nghiệp được kiểm tra thì có 3 doanh nghiệp gồm Công ty TNHH Đại Lải, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Hằng, Công ty TNHH Đạt Tiến đã san nền, đổ đất, xây tường kè, đắp đường ngăn hồ... trong phạm vi bảo vệ hồ Đại Lải mà không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, hoạt động không đúng nội dung quy định của giấy phép đã được cấp.
Ngoài ra, qua kiểm tra hiện trường dự án khu biệt thự, ẩm thực cao cấp Đảo Ngọc thì Công ty Đạt Tiến đã đóng cọc chắn sóng, kè bê-tông, đổ đất lấn chiếm về phía lòng hồ... Theo kết luận thanh tra đầu năm 2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc thì diện tích đất mà doanh nghiệp lấn chiếm là gần 15.600m2....
Cuối tháng 7, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra thông tin phản ánh liên quan đến các công trình "bức tử" hồ Đại Lải, xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.