Lo ngại lạm phát tăng
Nhiều báo cáo gần đây cho thấy, lạm phát ở các quốc gia hàng đầu châu Âu và châu Mỹ đã lên đến mức kỷ lục trong vòng 5 thập kỷ trở lại đây. Tại Đức, con số này là 7,9%, Tây Ban Nha - 8,5%, Mỹ là 8,3% và Anh là 9%.
Nguyên nhân chính gây ra lạm phát ở các quốc gia kể trên được giới phân tích nhận định là do giá dầu tăng cao cùng với việc đứt gãy chuỗi cung ứng.
Trong nước, theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước. Trong đó, giao thông vận tải với mức tăng 2,34% đang là tác nhân gây áp lực lớn nhất lên mặt bằng giá. Trên lý thuyết, trong bối cảnh lạm phát, để đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền, các ngân hàng thường sẽ nâng mức lãi suất huy động.
Theo TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, hiện dư luận đang đề cập đến lạm phát cao như một sự cổ vũ cho đà tăng giá của bất động sản. Lạm phát cao là phải ở mức 7-8%, nếu duy trì ở mức trên dưới 4% thì không gọi là cao.
Chuyên gia cho biết, bên cạnh xem xét con số cũng phải xem xét nguồn gốc của lạm phát. "Bão giá" chỉ đáng lo ngại khi nó xuất phát từ việc nhà nước bơm tiền không tương xứng với tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, loại lạm phát này sẽ không xảy ra. Vì hiện nay Chính phủ đang quản lý rất chặt dòng tiền nóng, dòng tiền dưới chuẩn và dòng tiền đầu cơ. Cụ thể hơn là dòng tiền từ các NHTM chảy vào các doanh nghiệp bất động sản thông qua thị trường trái phiếu, hoặc hoạt động tín dụng.
TS Đinh Thế Hiển nhận định, chủ trương của Chính phủ là sẽ không cho các ngân hàng múa may, hay dòng tiền đổ ‘ào ạt’ vào đầu cơ tài chính hay bất động sản, vì thế cũng sẽ không có lạm phát cao.
Áp lực giá cả hiện nay chủ yếu là do chi phí đẩy. Trong đó, các tác nhân chính là giá xăng dầu và dứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, vấn đề này là không đáng lo ngại, vì lực cầu vẫn còn đang yếu.
Chuyên gia dự báo, lạm phát 2022 có thể cao hơn các năm trước song sẽ có nhiều khả năng chỉ xoay quanh 4% và ở mức chấp nhận được.
Mức lạm phát này có thể khiến cho đời sống người dân chịu một sức ép nhất định do tiền lương không thể tăng thực mà lại phải gánh thêm chi phí tiêu dùng. Bên cạnh đó, nó không thể tạo ra một đà tăng giá mạnh ở các tài sản.
Xu hướng lãi suất trong nửa cuối năm ra sao?
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy trong thời gian quý I, dòng tiền đổ vào tiền gửi tiết kiệm đã liên tục lập các kỷ lục mới. Dù lượng tiền đổ vào khá lớn, song các ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại trong cuộc đua lãi suất huy động. Hiện lãi suất cao nhất ở nhiều nhà băng đã vượt 7%/năm.
Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi tăng trưởng tín dụng năm 2022 có thể đạt 14-15% và tương đồng với kế hoạch tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại; Cầu tín dụng tăng, các nhà băng đẩy mạnh việc chuẩn bị thanh khoản để đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao, nhất là các quý còn lại của năm.
Cho đến thời điểm này nhiều ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm với mức tăng nhẹ 0,1-0,3%/năm. Lãi suất VND giao dịch giữa các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng cuối tháng 4 sụt giảm từ 0,5 - 0,7%/năm, nhưng tăng trở lại vào đầu tháng 5/2022. Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng đầu tháng 5/2022 tăng lên so với thời điểm cuối tháng 4 ở các kỳ hạn ngắn dưới 1 tháng từ 0,1 - 0,4%/năm.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, lãi suất huy động khó có thể duy trì ở mức thấp lịch sử, do nhu cầu huy động vốn cao hơn khi tín dụng tăng tốc, áp lực lạm phát ở Việt Nam sẽ gia tăng trong năm nay và sự cạnh tranh gay gắt hơn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán để thu hút dòng vốn. Tuy nhiên, giới chuyên gia kỳ vọng lãi suất huy động chỉ tăng nhẹ 0,3-0,5% trong năm nay.
Một số công ty chứng khoán nhận định mặt bằng lãi suất cho vay khó có thể giảm thêm trong năm nay khi nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi trở lại.
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KBSV, cho biết mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng lớn kỳ hạn dài sẽ tăng khoảng 0,5%, còn lãi suất cho vay sẽ tăng ở mức thấp hơn 0,2 - 0,3% thì ảnh hưởng đến NIM của các ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn có biện pháp để cải thiện NIM như cải thiện hệ số cho vay, hoặc huy động qua trái phiếu, hoặc thị trường liên ngân hàng...
Hiện nay, tốc độ tăng trưởng huy động vốn có thể thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng huy động tín dụng. Tuy nhiên, chỉ tiêu tín dụng được NHNN kiểm soát nên phân bổ chỉ tiêu tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng đã được đánh giá, xem xét.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhận định lãi suất huy động tăng nhưng chủ yếu ở các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, còn ở khối ngân hàng quốc doanh chiếm tỷ lệ lớn trên thị trường, mặt bằng lãi suất vẫn chưa có nhiều thay đổi.
"Hiện nay, tốc độ tăng trưởng huy động vốn có thể thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng huy động tín dụng. Tuy nhiên, chỉ tiêu tín dụng được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát nên phân bổ chỉ tiêu tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng đã được đánh giá, xem xét. Quý 1/2022, tăng trưởng tín dụng không ảnh hưởng tới khả năng chi trả, huy động vốn của các tổ chức tín dụng nên khả năng thanh khoản của các tổ chức tín dụng hiện nay là an toàn", ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, đánh giá.
Theo các chuyên gia, lãi suất gửi ngân hàng ở Việt nam hiện vào khoảng 6,5-7%/năm, lãi suất này thường bị đánh giá là nhỏ hơn nhiều so với tỷ suất sinh lợi từ đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, nếu đối chiếu với mức lạm phát 4%, lãi suất này là cao hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, kênh cạnh tranh với lãi suất ngân hàng là trái phiếu cũng bị hạn chế, lãi suất ngân hàng cũng vì thế mà ít còn khả năng tăng cao hơn nữa.
Dự báo từ nay đến cuối năm, lãi suất huy động sẽ xoay quanh mức 6,5-7%. Mức lãi suất cao nhất có thể có là 7,5% và nó sẽ chỉ xuất hiện ở một số ngân hàng nhỏ.