CTCP Đầu tư Revital Việt Nam mới đây công bố tình hình tài chính năm 2022 với kết quả kinh doanh sa sút.
Cụ thể, theo văn bản công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính gửi lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thì trong năm 2022, Đầu tư Revital Việt Nam lỗ hơn 193 tỷ đồng, năm trước đó lỗ gần 157 tỷ đồng. Kết quả liên tiếp thua lỗ đã khiến vốn chủ sở hữu của Công ty tính đến cuối 2022 giảm từ 202,5 tỷ đồng vào cuối 2021 còn 9,4 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả lại tăng từ 1.646 tỷ lên hơn 1.838 tỷ đồng.
Dư nợ trái phiếu tính đến hết 2022 của Công ty vẫn còn 1.155 tỷ đồng. Hệ số dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu lên đến 122,96 lần.
Ngày 17/9/2018, doanh nghiệp này phát hành thành công lô trái phiếu mã REV.Bond.2018 có tổng giá trị phát hành 1.155 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm, đáo hạn ngày 17/9/2025. Trái phiếu có lãi suất 4%/năm, do Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI) làm tổ chức lưu ký.
Như vậy kể từ sau khi phát hành, công ty này chưa trả nợ gốc lô trái phiếu trên.
CTCP Đầu tư Revital Việt Nam được thành lập vào tháng 07/2014 với tên gọi ban đầu là CTCP Đầu tư Tài Tâm Việt; trụ sở tại tòa nhà Center Building, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội. Công ty hoạt động ở lĩnh vực chính là hoạt động xây dựng chuyện dụng khác. Bà Trịnh Thị Hà (sinh năm 1979) làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật, bà Trần Huyền Trang (sinh năm 1990) làm Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
Vào tháng 12/2017, Công ty có sự thay đổi vốn điều lệ khi tăng từ 300 lên 650 tỷ đồng. Tháng 02/2018, Công ty thay đổi chức Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật cho bà Trần Kim Hạnh (sinh năm 1978) đảm nhận. Tháng 05/2018, Công ty đổi tên gọi như hiện nay, đồng thời trụ sở chuyển về VP202- số 25 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội.
Đáng chú ý, mặc dù còn dư nợ trái phiếu lên tới 1.155 tỷ đồng nhưng thông tin về đăng ký doanh nghiệp cho thấy Công ty đang làm thủ tục giải thể. Thông tin từ Tổng cục thuế cũng cho thấy doanh nghiệp đã ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế.
Ngoài huy động trái phiếu, vào tháng 07/2022, Công ty còn đăng ký giao dịch bảo đảm tại một ngân hàng với tài sản bảo đảm là toàn bộ cổ phần của Đầu tư Revital Việt Nam tại CTCP Phát triển Đầu tư – Xây dựng Bách Giang - DCI và lợi tức phát sinh từ số cổ phần này. Cụ thể, số lượng cổ phần là 145.75 triệu cp (chiếm 54,958% vốn điều lệ Phát triển Đầu tư – Xây dựng Bách Giang – DCI), mệnh giá 10.000 đồng/cp, tương ứng tổng mệnh giá là 1.457,5 tỷ đồng.
CTCP Phát triển Đầu tư – Xây dựng Bách Giang – DCI được thành lập vào năm 2011, trụ sở tại thôn Như Phượng Thượng, xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Ngoài chức Chủ tịch Đầu tư Revital Việt Nam, bà Trịnh Thị Hà còn là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc của Phát triển Đầu tư – Xây dựng Bách Giang – DCI. Được biết vào thời điểm cuối năm 2021, Công ty này có vốn điều lệ 2.652 tỷ đồng, đến ngày 10/05 vừa qua, Công ty tăng vốn điều lệ lên 3.542 tỷ đồng, đồng thời sáp nhập doanh nghiệp đối với CTCP Đầu tư Thủy Hòa.
CTCP Đầu tư Thủy Hòa có tiền thân là CTCP Truyền thông Kim Ý với ngành nghề kinh doanh chính là buôn bán máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm; được thành lập vào tháng 11/2010, do ông Nguyễn Phú Dũng làm Chủ tịch HĐQT. Tháng 09/2018, Công ty đổi tên như hiện nay, do ông Nguyễn Mạnh Hùng làm Chủ tịch HĐQT, đồng thời tăng vọt vốn điều lệ từ 5 tỷ lên 240 tỷ đồng.
Không riêng Đầu tư Revital Việt Nam, Công ty Đầu tư Thủy Hòa cũng có đăng ký giao dịch bảo đảm tại ngân hàng với tài sản là 119,25 triệu cp Phát triển Đầu tư – Xây dựng Bách Giang – DCI (chiếm 44,966% vốn điều lệ), tương ứng tổng mệnh giá là 1.192,5 tỷ đồng.