Ngày pháp luật

Kinh doanh chính chưa hiệu quả, Thế Giới Di Động (MWG) dùng “tay trái” đỡ lợi nhuận khi đầu tư hàng nghìn tỷ cho vay và đầu tư trái phiếu

Quỳnh Chi

MWG ghi nhận 882 tỷ đồng doanh thu tài chính trong 9 tháng đầu năm, tăng 60% so với cùng kỳ trong đó lãi tiền gửi đạt 686 tỷ đồng, tăng 84%.

Lợi nhuận đến từ đầu tư trái ngành

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021, tiền và tương đương tiền của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã CK: MWG) đã giảm hơn 4.100 tỷ đồng so với đầu năm xuống 3.215 tỷ đồng. Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn cũng giảm từ 8.057 tỷ đồng xuống 6.814 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản tiền gửi và trái phiếu ngắn hạn hưởng lãi suất 6% đến 8,65%/năm.

Chiều ngược lại, khoản phải thu ngắn hạn tăng từ 1.595 tỷ đồng lên 2.788 tỷ đồng vào cuối quý III. Riêng phải thu về cho vay ngắn hạn đã tăng đột biến lên 1.007 tỷ đồng trong khi đầu năm con số này chỉ là 80 tỷ đồng. Theo thuyết minh, MWG đã cho Chứng khoán HSC (mã CK: HCM) vay 665 tỷ đồng hưởng lãi 6,4% đến 7%/năm. Còn lại là cho vay Bán lẻ An Khang 342 tỷ đồng.

Kinh doanh chính chưa hiệu quả, Thế Giới Di Động (MWG) dùng “tay trái” đỡ lợi nhuận khi đầu tư hàng nghìn tỷ cho vay và đầu tư trái phiếu - Ảnh 1

Ngoài ra, MWG còn mang 5.052 tỷ đồng đi đầu tư tài chính dài hạn, gấp nhiều lần con số 53 tỷ đồng đầu năm. Trong đó, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn phát sinh mới 5.007 tỷ đồng đồng bao gồm các khoản đầu tư trái phiếu thông qua các ngân hàng thương mại có kỳ hạn từ 3 đến 5 năm và hưởng lãi suất từ 7,6% đến 9,5% mỗi năm.

Mặt khác, tính đến cuối quý III, nợ vay ngắn hạn của MWG đã giảm 1.460 tỷ đồng xuống 14.165 tỷ đồng nhưng vay dài hạn lại tăng mạnh 2.771 tỷ đồng so với đầu năm lên 3.898 tỷ đồng.

Kết quả, MWG ghi nhận 882 tỷ đồng doanh thu tài chính trong 9 tháng đầu năm, tăng 60% so với cùng kỳ trong đó lãi tiền gửi đạt 686 tỷ đồng, tăng 84%. Trong khi đó, chi phí lãi vay lại giảm nhẹ so với cùng kỳ xuống mức 486 tỷ đồng.

Như vậy, hoạt động tài chính đem lại cho MWG lợi nhuận 394 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, gấp 3,8 lần cùng kỳ, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng lợi nhuận của nhà bán lẻ này. Cụ thể lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng 360 tỷ đồng (12%) so với cùng kỳ lên 3.336 tỷ đồng.

Kinh doanh chính có phần giảm sút cùng hàng loạt lùm xùm với đối tác

MWG vừa phải trải qua thử thách chưa từng có do tác động của việc giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành để phòng chống dịch. Doanh thu thuần quý III của MWG giảm 5,4% xuống 24.333 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ cũng giảm 17% xuống 785 tỷ đồng, thấp nhất từ quý I/2019.

Kinh doanh chính chưa hiệu quả, Thế Giới Di Động (MWG) dùng “tay trái” đỡ lợi nhuận khi đầu tư hàng nghìn tỷ cho vay và đầu tư trái phiếu - Ảnh 2

Gần 2.000 cửa hàng Thế Giới Di Động/Điện Máy Xanh (TGDĐ/ĐMX) phải tạm đóng hoặc kinh doanh hạn chế. Ngoài ra, 50% tổng số cửa hàng Bách Hoá Xanh (BHX) tại TP.HCM, một số tỉnh Nam bộ không thể phục vụ khách mua sắm trực tiếp tại cửa hàng từ 23/8 trở đi.

Trong bối cảnh gặp muôn vàn khó khăn trong thời gian giãn cách, MWG còn vướng vào lùm xùm liên quan đến việc tự động giảm tiền thuê mặt bằng dù chưa được đối tác đồng ý gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Theo đó, MWG từng có công văn gửi đối tác đơn phương giảm tiền thuê mặt bằng thậm chí không tính tiền thuê và thanh toán 100% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng phải đóng cửa, áp dụng từ 1/1 đến 1/8/2021 và tiếp tục áp dụng cho đến khi hết hạn hợp đồng thuê nếu xảy ra các trường hợp bất khả kháng buộc cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng.

Lý giải cho hành động này, Chủ tịch của MWG - ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ "Việc miễn, giảm tiền thuê mặt bằng là một trong những phương án nhằm bảo vệ dòng tiền của MWG khi đại dịch COVID-19 diễn ra. Vì đây là khó khăn thật chứ không phải mình tung hỏa mù với đối tác của mình. Tôi đã khó khăn thật mà bạn còn làm khó tôi nữa thì thôi, tôi trả mặt bằng chứ làm gì bây giờ?"

Tin Cùng Chuyên Mục