Ngày pháp luật

Ông Nguyễn Đức Tài nói gì về lo ngại MWG bị thâu tóm?

Vietnamfinance

Lo ngại MWG bị đặt ra trong bối cảnh định giá công ty được cho là đang ở mức thấp.

Trong buổi họp trực tuyến mới đây, trả lời về lo ngại Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) bị thâu tóm trong bối cảnh công ty đang bị định giá thấp, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho hay khả năng MWG bị thâu tóm là không cao bởi các cổ đông lớn đang nắm giữ khá nhiều cổ phần. Theo ông Tài, chỉ riêng các nhà sáng lập và cán bộ công nhân viên đã sở hữu khoảng 40% vốn.

Thêm vào đó, việc thâu tóm MWG, theo ông Tài, cũng không để làm gì.

"Linh hồn của một doanh nghiệp là năng lực quản lý, năng lực điều hành của ban lãnh đạo. Nếu vài ngàn cửa hàng mà quản lý không ra đâu thì nó cũng đi vào dĩ vãng. Như đã thấy, nhiều doanh nghiệp trước đây số cửa hàng còn nhiều hơn MWG nhưng cũng đã đi vào dĩ vãng", Chủ tịch MWG nói.

Ông Nguyễn Đức Tài nói gì về lo ngại MWG bị thâu tóm? - Ảnh 1

Ông Tài nhấn mạnh ban lãnh đạo MWG không lo lắng gì về việc bị thâu tóm. "Ông nào giỏi hơn mình thì mình cho thâu tóm. Ông nào kém hơn mình mà thâu tóm thì như tự cắn vào lưỡi họ", người đứng đầu MWG ví von.

Ông Tài cũng cho biết thêm, hiện MWG chưa có ý định IPO các công ty con như Điện máy Xanh, Bách hóa Xanh. Thời điểm nào, cách thức IPO ra sao chưa được đặt ra vào lúc này. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh "chưa" IPO không có nghĩa là "không" IPO.

Tại buổi họp, ban lãnh đạo MWG đồng quan điểm rằng sức mua năm 2021 sẽ không được cải thiện, thậm chí đi lùi ở một số ngành.

Trong bối cảnh đó, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO chuỗi Thế giới di động và chuỗi Điện máy Xanh cho biết công ty sẽ thực hiện đồng loạt 3 việc.

Thứ nhất, tiếp tục mở rộng số lượng cửa hàng. "Trong năm 2021, MWG sẽ tiếp tục mở rộng thêm chuỗi Điện máy Xanh và chuỗi Thế giới di động nếu còn cơ hội. Đặc biệt, chuỗi Điện máy Xanh Supermini dự kiến sẽ hoàn tất mở mới 700 cửa hàng trong năm nay, đưa tổng lượng cửa hàng lên khoảng 1.000", ông Hiểu Em cho hay.

Vị lãnh đạo này nhấn mạnh đến cuối năm 2022, MWG dự kiến sẽ đạt khoảng 50-55% thị phần điện thoại và 55-60% thị phần điện máy.

Thứ hai, đối với các cửa hàng điện thoại, điện máy hiện hữu, MWG sẽ cố gắng cân đối lại mặt hàng, sắp xếp lại layout (bố cục bày trí cửa hàng) để gia tăng thêm nhiều nhóm hàng nữa, giúp gia tăng doanh số mỗi cửa hàng.

Thứ ba, tối giản chi phí ở mức tốt nhất nhằm gia tăng lợi nhuận.

Đối với chuỗi Bách hóa Xanh, CEO Trần Kinh Doanh cho biết chuỗi sẽ nỗ lực đến cuối năm 2021 đạt được hòa vốn EBITDA ở cấp độ công ty.

Cùng với đó, ông khẳng định lợi nhuận gộp của Bách hóa Xanh chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên, đến từ hai động lực chính. Đầu tiên là khả năng thương lượng mua hàng từ các nhà cung cấp đang ngày càng được nâng cao do tầm quan trọng của Bách hóa Xanh với nhà cung cấp ngày càng lớn.

Kế đó, Bách hóa Xanh cũng đang đẩy nhanh việc phát triển các mặt hàng có thương hiệu riêng. Cuối năm 2020, trong khoảng 3.000 - 3.500 nhãn hàng trong cửa hàng Bách hóa Xanh thì đã có tới 500 - 600 nhãn hàng là mang thương hiệu riêng. Công ty phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ có khoảng 1.000 nhãn hàng riêng. Điều này cũng giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp cho chuỗi.

"Cơ hội để tăng biên lãi gộp còn rất lớn bởi quy mô của Bách hóa Xanh sẽ còn tăng gấp đôi, gấp 3 nữa, nên không biết đâu là điểm dừng biên lãi gộp của Bách hóa Xanh", ông Trần Kinh Doanh nhấn mạnh.

Theo thông tin từ MWG, doanh thu tháng 2 của toàn công ty đạt khoảng 10.500 tỷ đồng. Như vậy, tổng doanh thu mùa Tết năm nay đạt hơn 21.500 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ 2020.

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này, có gần 100 cửa hàng Thế giới di động và Điện máy Xanh nằm trong các khu vực bị phong tỏa hoặc thực hiện giãn cách xã hội phải đóng cửa hoặc hạn chế số lượng khách hàng được phục vụ. Điều này cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Thế giới di động/Điện máy Xanh trong mùa cao điểm.

Tổng doanh số của Thế giới di động & Điện máy Xanh trong tháng 2 đạt hơn 8.800 tỷ đồng, lũy kế 2 tháng đầu năm xấp xỉ cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 2, chuỗi Điện máy Xanh Supermini tiếp tục mở thêm 21 cửa hàng mới, nâng tổng cửa hàng lên con số 388.

Với 1.756 cửa hàng và kênh Bách hóa Xanh online, chuỗi Bách hóa Xanh ghi nhận doanh thu khoảng 3.900 tỷ cho 2 tháng đầu năm, tăng 50% so với cùng kỳ. Bách hóa Xanh chỉ hoạt động 20/28 ngày trong tháng 2 do ảnh hưởng bởi Tết.

Chuỗi Bách hóa Xanh dự kiến có hơn 2.000 cửa hàng, trong đó có hơn 500 cửa hàng diện tích lớn 500m2 vào cuối năm 2021. Công ty sẽ duy trì tốc độ mở mới trung bình khoảng 30 cửa hàng/ tháng để tập trung nâng cấp cửa hàng 500m2 và cải thiện biên lợi nhuận.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục