Ngày pháp luật

Khối doanh nghiệp FDI xuất siêu gần 29 tỷ USD trong 10 tháng

Giang Phạm

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy thặng dư thương mại 10 tháng lập kỷ lục gần 20 tỷ USD.

Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu sơ bộ về tình hình thương mại 10 tháng đầu năm 2020. Theo đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 440 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ. Thặng dư thương mại đạt gần 20 tỷ USD, mức kỷ lục từ trước đến nay. 

Đóng góp chủ yếu vào kết quả thặng dư trên là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tính chung 10 tháng, khối FDI xuất siêu 28,9 tỷ USD và nhập siêu gần 9,42 tỷ USD. 

Cơ quan này cũng ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong 10 tháng đạt gần 296 tỷ USD, tăng 7,4%, tương ứng tăng 20,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019.

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cũng chỉ ra giá trị hàng xuất khẩu trong 10 tháng đạt gần 230 tỷ USD, tăng 5%. Đáng chú ý, nhóm điện thoại và linh kiện dẫn đầu với 42 tỷ USD; nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện về nhì với 36,4 tỷ USD tăng 25% so với cùng kỳ năm 2019. 

Ở chiều ngược lại, hàng dệt may, giày dép và điện thoại giảm so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu hàng dệt may giảm hơn 9% còn 23,7 tỷ USD, xuất khẩu giày dép giảm gần 9%, sản phẩm điện thoại, linh kiện giảm hơn 4%.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 62,3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 37,9 tỷ USD, xếp sau đó là EU, ASEAN, Hàn Quốc. 

Giá trị nhập khẩu 10 tháng đầu năm ước tính đạt hơn 210 tỷ USD. Chiếm tỷ trọng nhập khẩu lớn nhất trong 10 tháng là máy tính, sản phẩm điện tử với 51,2 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu điện thoại các loại tăng 3,6%. 

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với 65,6 tỷ USD, gấp gần 6 lần so với con số 11,4 tỷ USD của Mỹ. Tiếp sau đó là thị trường Hàn Quốc nhập khẩu với 37,4 tỷ USD, thị trường ASEAN với 24,5 tỷ USD.

Tin Cùng Chuyên Mục