Ngày pháp luật

Phía sau con số thặng dư 65.400 tỷ VND ngân sách quý I

Theo Thái Trang/Trí Thức Trẻ

Mặc dù cán cân ngân sách được cải thiện nhưng chi thường xuyên vẫn cao gấp nhiều lần chi đầu tư phát triển và tăng so với cùng kỳ.

Phía sau con số thặng dư 65.400 tỷ VND ngân sách quý I - Ảnh 1

 

Quý I/2019, Ngân sách Nhà nước (NSNN) có kỳ thặng dư hiếm hoi. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách Nhà nước quý I đạt 381.000 tỷ VND, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó thu từ nội địa đạt 314.500 tỷ VND (tăng 14%), từ dầu thô 12.280 tỷ VND (giảm 14%), từ hoạt động xuất nhập khẩu 80.800 tỷ VND (tăng 17,6%).

Tổng chi NSNN quý I đạt 315.600 tỷ VND, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 46.700 tỷ VND (tăng 32%); chi trả nợ lãi 30.760 tỷ VND (giảm 3,6%); chi thường xuyên ở mức 237.200 tỷ VND, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2018.

Như vậy, khoản chi lớn nhất trong tổng chi NSNN vẫn là chi thường xuyên, chiếm tới hơn 75% tổng chi ngân sách. Tỷ trọng chi thường xuyên từ năm 2008 đến nay vẫn luôn ở trong khoảng 70%. 

GS.TS. Trần Thọ Đạt - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, chi tiêu cho quản lý hành chính liên tục tăng cho thấy Việt Nam chưa đạt được kết quả tốt trong cải cách bộ máy hành chính để giảm chi tiêu công. Tổng chi cho lương trong ngân sách tương đối cao so với các quốc gia khác trong khu vực, tương đương với các quốc gia có thu nhập trung bình.

Với xu hướng như hiện nay, tỷ lệ chi lương của Việt Nam có thể dễ dàng vượt mức bình quân của các quốc gia thu nhập trung bình trong thời gian ngắn và vào năm 2020 có thể cao hơn cả tỷ lệ hiện nay của các quốc gia thu nhập cao. Điều này sẽ gây áp lực rất lớn đối với cán cân ngân sách.

Chi cho lương hưu và đảm bảo xã hội cũng ngày càng chiếm tỷ lệ lớn trong NSNN, tỷ lệ này còn tăng lên khi số người về hưu tăng lên. Điều này cho thấy bất kỳ đợt cải cách nào về tiền lương cũng sẽ cần được đánh giá một cách đầy đủ vì tăng lương không chỉ tác động đến tổng cầu của nền kinh tế mà còn tác động mạnh đến sự bền vững của NSNN. 

Trong đó, chi cho khoa học công nghệ, lĩnh vực cần ưu tiên có tỷ trọng trong chi tiêu công từ 1,1% năm 2005 giảm xuống còn trung bình 0,8% trong giai đoạn 5 năm gần nhất, cho thấy khoa học cộng nghệ vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Cuối cùng, một trong những khoản chi có vai trò ngày càng lớn trong tổng chi NSNN là chi trả nợ (gồm cả lãi và gốc). Với nhiều khoản vay từ những năm 1990 thì đến nay đã bắt đầu tới hạn trả nợ. Do vậy hàng năm số nợ phải trả đã chiếm tỷ trọng khoảng 10-12% tổng chi. Về xu thế, số nợ này sẽ tăng dần lên trong những năm tới và điều đó cũng có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến tính bền ững của NSNN trong tương lai.

Ông Trần Thọ Đạt nhận xét: "Thâm hụt ngân sách cao qua các năm đã khiến nợ công tăng lên nhanh chóng và so với nhiều nước đang phát triển thì Việt Nam thuộc nhóm có tỷ lệ nợ công cao. Tỷ lệ nợ công trên GDP ước đạt 61,4% GDP năm 2018. Mặc dù tỷ lệ này vẫn nằm trong mức trần nợ công 65% mà Quốc hội cho phép, nhưng quy mô nợ gia tăng đang khiến mức chi trả nợ lãi vay ngày càng cao, theo đó tỷ lệ ngân sách còn lại đầu tư cho phát triển suy giảm. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/ tổng thu NSNN cũng đã tiệm cận đến ngưỡng rủi ro 25% (bao gồm cả trả trong cân đối và đảo nợ). So sánh quốc tế cũng cho thấy, mức nợ chính phủ của Việt Nam cao hơn khá nhiều quy mô trung bình của các nước đang phát triển thu nhập thấp và các nước châu Á".

Dù nợ công vẫn nằm trong ngưỡng cho phép nhưng các khoản nợ công của Việt Nam vẫn chưa tính đủ các gánh nặng nợ tiềm tàng từ hoạt động của khu vực ngoài ngân sách như hoạt động của BHXH, BHYT, khu vực ngân hàng và đặc biệt là khu vực DNNN. Ngoài ra dư địa ngân sách ngày càng mỏng hơn, khiến cho nợ công có thể trở nên mất bền vững ngay cả với những cú sốc nhẹ. Nghĩa vụ nợ dư phòng nếu hiện thực hóa có thể làm cho Việt Nam càng thêm dễ tổn thương với lộ trình nợ như hiện nay, ngay cả khi cân đối ngân sách cơ bản vẫn được quản lý cẩn trọng.

Tin Cùng Chuyên Mục