Con số này được xem là mức xuất siêu kỷ lục của Việt Nam, vượt qua cả con số xuất siêu 9,9 tỷ đô la của cả năm 2019.
Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa cuối tháng 8 vừa qua đạt 26,65 tỷ đô la, tăng 12,6% (tương ứng tăng gần 3 tỷ đô la) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 8.
Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 8 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 8 tháng đầu năm nay đạt 337,23 tỷ đô la, tăng nhẹ 2 triệu USD so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 202,79 tỷ đô la, giảm 4,8% (tương ứng giảm 10,29 tỷ đô la); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 134,44 tỷ đô la, tăng 8,3% (tương ứng tăng 10,29 tỷ đô la) so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, trong kỳ 2 của tháng 8, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 3,33 tỷ đô la (và thặng dự 1,69 tỷ đô la của nửa đầu đầu tháng 8), đưa tổng mức thặng dư thương mại hàng hóa của của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay đạt 13,49 tỷ đô.
Kết quả này có mức tăng gấp gần 2,5 lần so với số thặng dư cùng kỳ năm 2019 (5,47 tỷ đô la).
Đến nay, con số gần 13,5 tỷ đô la là mức xuất siêu kỷ lục của Việt Nam, vượt qua cả con số xuất siêu 9,9 tỷ đô la của cả năm 2019. Trong khi đó, con số xuất siêu của năm ngoái đã là mức cao nhất trong 4 năm liên tiếp xuất siêu của Việt Nam. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam mấy năm gần đây luôn xuất siêu.
Xuất siêu sẽ giúp tăng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, xuất siêu 8 tháng năm 2020 có điểm đáng phải lưu ý so với những năm trước đó là không phải do xuất khẩu tăng cao mà do nhập khẩu giảm.
Cụ thể trong 8 tháng năm 2020, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 175,36 tỷ đô la (tăng 2,3%) tương ứng tăng 4,01 tỷ đô la so với cùng kỳ năm ngoài. Trong khi đó tổng trị giá nhập khẩu cùng thời gian này của cả nước đạt 161,87 tỷ đô la, giảm 2,4% (tương ứng giảm 4,01 tỷ đô la) so với cùng kỳ năm ngoái.
Và xuất siêu của Việt Nam trong 8 tháng qua vẫn dựa vào khu vực doanh nghiệp FDI, còn doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu lớn lên tới hơn 10 tỷ đô la.
Giới phân tích và cả doanh nghiệp nhìn nhận dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Diễn biến tình hình thực tế cho thấy xuất khẩu còn nhiều khó khăn mà bằng chứng là nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận được hợp đồng từ đối tác như trước đây.
Mặc dù vậy, nhiều dự báo lạc quan cho rằng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn nữa sau khi nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và bắt đầu đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, mở cửa nền kinh tế.
Bên cạnh đó, việc thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã có hiệu lực từ đầu tháng 8 vừa qua cũng sẽ mang đến những tác động tích cực cho hoạt động giao thương với thị trường EU.
Link bài gốc