Năm 2019, Microsoft đầu tư 1 tỷ USD vào công ty nghiên cứu trí tuệ nhân tạo OpenAI do Sam Altman, Elon Musk và một nhóm chuyên gia đồng sáng lập cách đây hơn bảy năm.
Tháng 11/2022, OpenAI đã phát hành ChatGPT, một chatbot AI theo mô hình ngôn ngữ GPT-3.5 đã được đào tạo trên công cụ Azure. Hầu hết kỹ sư, học giả, doanh nhân cho đến những người không chuyên về công nghệ và các nhà đầu tư đều đánh giá cao sự thông minh của ChatGPT. Ngay cả khi có sai sót, Google vẫn coi chatbot này là "báo động đỏ" đối với mảng kinh doanh tìm kiếm của công ty.
Hiện tại, OpenAI đang được định giá khoảng 20 tỷ USD. Công ty đang thảo luận với Quỹ sáng lập do Peter Thiel điều hành để huy động thêm vốn và nâng giá trị OpenAI lên 30 tỷ USD.
ChatGPT có thể thúc đẩy công cụ tìm kiếm Bing phát triển
"Microsoft xứng đáng được định giá cao hơn trên thị trường nhờ khoản đầu tư vào OpenAI", Gil Luria - Giám đốc nghiên cứu của DA Davidson cho biết.
Theo Luria, ước tính chi phí hoạt động hàng năm của OpenAI nằm trong khoảng từ 250 triệu - 1 tỷ USD. Khi ChatGPT phát triển, OpenAI sẽ cần chi nhiều tiền hơn cho cơ sở hạ tầng của Mircosoft.
Dù mới ra mắt, ChatGPT đã thu hút 1 triệu người dùng. Công ty đã lên kế hoạch giới thiệu GPT4, mô hình AI thế hệ tiếp theo vào cuối năm nay. OpenAI cũng dự kiến doanh thu sẽ chạm mức một tỷ USD vào năm 2024.
Không chỉ tăng giá trị lợi nhuận đầu tư, Microsoft được cho là sẽ tích hợp ChatGPT vào Bing, đưa công cụ tìm kiếm này trở thành đối thủ cạnh tranh với Google. Đây sẽ là mối đe dọa đầu tiên đối với vị trí thống trị mảng tìm kiếm của "ông lớn" Google trong hai thập kỷ qua.
Luria ước tính với 120 tỷ USD doanh thu mỗi năm, Google Search đang chiếm phần lớn thu nhập của Google. Trong khi đó, mức doanh thu 11 tỷ USD của Bing chỉ đóng góp nhiều nhất là 5% vào tổng doanh thu của Microsoft. "Về lâu dài, chúng tôi tin việc tích hợp ChatGPT vào Bing có thể mang đến cơ hội lật đổ Google trong mảng tìm kiếm", Luria cho biết.
Nhiều nhà phân tích cho rằng Microsoft có thể đang tìm cách thâu tóm OpenAI. Trước đó, Google đã từng mua lại DeepMind, công ty nghiên cứu về AI tại London được thành lập vào 2014 nhưng đến hiện tại đây vẫn là thương vụ lỗ vốn. Chỉ tính riêng chi phí nhân sự, DeepMind đã tiêu tốn 500 triệu USD mỗi năm.
Các công ty AI trở thành đối tượng được chú ý khi công nghệ không còn hấp dẫn các nhà đầu tư.
Brendan Burke, nhà phân tích của Pitchbook cho biết "Nhà đầu tư sẽ rót tiền vào lĩnh vực AI non trẻ và đầy tiềm năng. Năm 2023, các startup AI sẽ hướng đến kinh doanh thương mại và có thể thu được khoản lợi nhuận khổng lồ".
Dữ liệu từ Pitchbook cho thấy trong năm 2022, khoản đầu tư mạo hiểm vào AI đã đạt 1,37 tỷ USD với hơn 78 giao dịch, chiếm phần lớn tổng số tiền đầu tư trong 5 năm qua. Trong khi đó, các ngành khác lại giảm.
Dù OpenAI đạt được sự tăng trưởng đáng kinh ngạc và mức lợi nhuận lớn nhưng vẫn có nhiều vấn đề đáng lo ngại. "Mùa đông AI" có thể diễn ra và khi đó các quỹ đầu tư, tài trợ sẽ đồng loạt rút khỏi thị trường. Những bước tiến chậm chạp của một số lĩnh vực như ôtô tự lái cũng làm dấy lên hoài nghi về việc thương mại hóa AI trong đời sống. Nhiều nhà đạo đức học cũng băn khoăn về việc AI có thể bị lạm dụng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn tin rằng Microsoft đã có một thương vụ đầu tư thông minh trong năm 2022 nhờ ChatGPT và sự phổ biến của mô hình hình ảnh tổng quát DALL-E của OpenAI. Microsoft có thể thu về khoản lợi nhuận béo bở trong tương lai chỉ với 1 tỷ USD rót vào OpenAI.